Đi lên từ loại cây chịu phèn, mặn
Hậu Giang hiện có khoảng 3.000 ha trồng khóm, tập trung tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Riêng tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh đã xây dựng thành công thương hiệu khóm Cầu Đúc mang đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Sáu (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) cho biết: Gia đình trước trồng lúa nhưng do đất phèn, mặn, lúa không thể phát triển, cho năng suất thấp nên mới dần chuyển qua trồng khóm. Nhờ loại cây này khỏe, sức sống tốt nên vài năm trước bén duyên và trở thành cây trồng mang lại kinh tế cho gia đình đến nay.
“Vùng đất nhiễm phèn, mặn này chỉ có cây khóm là chịu đựng tốt. Tôi nuôi con ăn học thành tài cũng nhờ khóm mà ra. 3ha khóm sau khi thu hoạch, trừ đi mọi chi phí có lời khoảng 150 – 200 triệu đồng, tùy theo vụ”, ông Sáu nói.
Được biết, để nguồn hàng không bị gián đoạn và được giá cao, những năm gần đây, bà con trên địa bàn còn áp dụng biện pháp trồng khóm rải vụ, cho trái mùa nghịch nên có lợi nhuận cao.
Lão nông Phạm Văn Diện – Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, Hậu Giang) – cho biết: “Hơn 40 năm qua, nhờ khóm mà người dân nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên khá. Trung bình 1 ha cho năng suất 20 tấn. Giá bán từ 5.000 – 13.000 đồng/trái. Trừ chi phí trung bình người trồng lãi khoảng 150 triệu đồng/ha”.
Lợi nhuận kép nhờ kết hợp du lịch
Tận dụng lợi thế bản địa, nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang dần kết hợp sản xuất và làm du lịch, góp phần quảng bá sản phẩm, tạo lợi nhuận kép.
Là thành viên trong làng du lịch Cánh đồng khóm Cầu Đúc, anh Huỳnh Đức Phong (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) cho hay: “Lúc đầu chưa hiểu nhiều về du lịch nên tôi hơi sợ vì nghĩ du lịch là gì đó quá cao xa, phải có kinh tế nhiều, sau được anh em trong hợp tác xã hướng dẫn rồi mình bắt tay vào làm, chủ động trồng rải vụ cho trái quanh năm đón du khách”.
Cũng theo anh Phong, khi đến làng du lịch cộng đồng, du khách sẽ được sẽ được bơi xuồng len lỏi trong ruộng, thu hoạch khóm cùng nông dân, và thưởng thức các món ăn đặc sản làm từ loại trái này như si rô khóm, bánh xèo củ hủ khóm…
“Từ hồi kết hợp giữa sản xuất và làm du lịch, gia đình có thêm một nguồn thu nữa, tự tin giao tiếp với du khách. Bà con trong hợp tác xã vừa trồng vừa làm du lịch, đời sống dần cải thiện, nhiều hộ khá giả đã mua được ô tô”, anh Phong cho hay.
TP Vị Thanh có diện tích trồng khóm nhiều nhất tỉnh với 2.800ha, những năm qua, địa phương đã thành lập nhiều hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm. Đồng thời hình thành Làng du lịch cộng đồng Cánh Đồng khóm Cầu Đúc tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến thu hút nhiều du khách đến tham quan.