Nhiều “lỗ hổng” trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội các tổ chức xếp hạng tín nhiệm châu Á (Association of Credit Rading Agencies in Asia – ACRAA) tổ chức hôm nay, 6-12, tại TP.HCM. Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Sáng kiến phát triển thị trường vốn châu Á”. Tại đây vấn đề huy động vốn qua kênh trái phiếu đã được đề cập.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Xuân Minh, chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, Việt Nam, cho hay tính đến cuối năm 2023, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 38% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam, còn trái phiếu Chính phủ chiếm 57% tổng quy mô.
Từng có giai đoạn phát triển mạnh, như năm 2019, giá trị thực tế phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên đến 378.507 tỉ đồng, chiếm khoảng 8% GDP.
Tuy nhiên đến năm 2022, giá trị phát hành đã giảm mạnh xuống còn 272.383 tỉ đồng, tương đương khoảng 5% GDP. Đến năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phục hồi với giá trị phát hành đạt khoảng 349.976 tỉ đồng, tương đương 7% GDP.
Tuy nhiên, theo ông Minh, sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng mang lại nhiều thách thức và rủi ro.
Một trong những thách thức lớn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là rủi ro tín dụng. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về công bố thông tin. Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không đầy đủ hoặc không được kiểm toán độc lập.
Từ đó dẫn đến hệ lụy là làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Tỉ lệ doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng trên thị trường còn rất thấp so với trái phiếu phát hành riêng lẻ (khoảng 10%).
Trong khi đó, việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành tập quán văn hóa kinh doanh theo thông lệ quốc tế.
Củng cố niềm tin của nhà đầu tư là “chìa khóa” then chốt
Theo ông Phùng Xuân Minh, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn mới để phát triển kinh tế, đi cùng sự phát triển của thị trường vốn.
Tuy nhiên do những vấn đề của giai đoạn vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng đã gặp khủng hoảng. Vì vậy, vực lại và củng cố niềm tin của nhà đầu tư là “chìa khóa” then chốt để thị trường trái phiếu đáp ứng được nhu cầu vốn lớn của nền kinh tế, là kênh vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng có 3 vấn đề lấy lại niềm tin nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. Thứ nhất là việc cơ quan quản lý xử lý các vụ việc tiêu cực đang dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Thứ hai, niềm tin này còn phụ thuộc lớn vào tổ chức phát hành. Phải có phương án kinh doanh, hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị, bằng mọi cách giữ chữ tín, trả nợ đầy đủ và đúng hạn theo cam kết.
Thứ ba, các đơn vị tư vấn cần hướng dẫn, tư vấn rõ cho nhà đầu tư hiểu về khẩu vị rủi ro, bởi mỗi trái phiếu sẽ có mức độ rủi ro cũng như sinh lời khác nhau.
Theo đó, xếp hạng tín nhiệm gắn với tài sản đảm bảo là công cụ để các tổ chức phát hành đảm bảo lòng tin nhà đầu tư, yên tâm là kênh đầu tư có được sự chắc chắn, an toàn.
Mới đây, Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua với một số quy định liên quan đến xếp hạng tín nhiệm cũng được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục những điều này.