Ý tưởng táo bạo từ hậu COVID-19
Chúng tôi vừa có dịp ghé tham quan vườn nho Thiện Tính của ông Nguyễn Văn Mến (73 tuổi, ngụ xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Đây là vườn nho đầu tiên trên đất cù lao Chợ Mới và cũng là vườn nho duy nhất đón du khách tham quan tại vùng đất An Giang.
Chia sẻ về việc hình thành ý tưởng mang giống nho từ Ninh Thuận về mảnh đất cù lao để gieo trồng, ông Mến không khỏi xúc động khi kể lại với chúng tôi: Hơn 20 năm nay, mảnh vườn này của ông trồng táo chua, táo hồng để xuất khẩu qua Campuchia và Trung Quốc, mỗi năm thu hoạch có lợi nhuận đều đều. Nhưng tới đợt dịch COVID-19 vừa rồi, xuất khẩu không được mà bán tại địa phương cũng không ai mua nên ông phải bỏ hết cả vụ, lần ấy thua lỗ cũng gần 50 triệu đồng.
Sau những suy tư, trăn trở nhiều ngày trời, ông thấy rằng phải chuyển mô hình trồng loại cây ăn trái gì mà có thể bán được cho người dân nơi đây, tại quê nhà, bán nội địa chứ không cần xuất khẩu nữa, khỏi phải lệ thuộc vào thị trường quốc tế.
Ông bắt đầu nghiên cứu về giống nho móng tay ở Ninh Thuận, vì chỗ của ông chưa có ai trồng giống nho này, mà nho cũng dễ bán.Vậy là ông quyết định trồng cây nho.
Ông đã dành hơn 1 tháng để đi tới Ninh Thuận tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, cùng với học qua mạng Internet, YouTube, sách vở… Ban đầu, ông mua thử 100 cây giống nho móng tay về gieo trồng, với giá là 100.000 đồng/gốc.
Ông bắt đầu gieo trồng từ giữa tháng 10.2021. Với kinh nghiệm làm nông dày dặn của mình, ông Mến chia sẻ: “Nếu biết cách xử lý cắt cành để ra hoa, xử lý đậu trái thì việc trồng cây nho sẽ không khó. Loại này chịu hữu cơ nên tôi trồng theo phương pháp hữu cơ và một phần sử dụng phân hóa học. Từ lúc trồng đến lúc ra hoa là 5 tháng, sau đó ra trái là gần 3 tháng”.
Tính đến thời điểm hiện tại, khu vườn với diện tích 1.800m2, sau hơn 8 tháng ông đã phát triển vườn nho lên tới 310 gốc nho. Hiện đã có hơn 120 gốc nho ra trĩu quả, xum xuê. Bình quân mỗi gốc nho có 5-10 chùm, mỗi chùm trọng lượng khoảng 1,2kg. Ông Mến cho biết, vốn đầu tư từ cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, dụng cụ làm giàn… đến nay tổng khoảng gần 80 triệu đồng.
“Cơn sốt” vườn nho độc nhất cù lao
Dù mới bắt đầu mở cửa cho khách tham quan từ ngày 13.6, tính đến nay chỉ được 3 tuần nhưng vườn nho Thiện Tính của ông Mến trên mảnh đất cù lao Chợ Mới đã tạo nên “cơn sốt” trên các trang mạng xã hội, thu hút sự hiếu kỳ và tò mò của đông đảo du khách xa gần, đặc biệt là sự check-in rầm rộ của giới trẻ.
Đi từ TP.Long Xuyên qua phà An Hòa, chạy về hướng Tỉnh lộ 946 khoảng hơn 10km, tới cầu Xà Mách rồi chạy qua cầu quẹo phải, vào khoảng gần 200m là sẽ tới vườn nho của ông Mến. Với giá vé là 20.000 đồng/người, du khách thoả thích ghé vào check-in, tham quan, chụp hình và trải nghiệm.
Đi cùng vợ và cháu nhỏ, anh Hà Văn Minh – du khách đến từ Cần Thơ – chia sẻ: “Từ khi nhìn thấy những hình ảnh vườn nho này trên Facebook, tôi đã quyết định sẽ đưa vợ và con tới khám phá một chuyến rồi. Mô hình này ở đây chưa ai có nên nó rất thú vị. Nay cuối tuần, gia đình tôi đã tranh thủ ghé tham quan. Chủ yếu tôi muốn cho cháu nhỏ được trải nghiệm thực tế với cây nho chứ không chỉ qua sách vở hay Internet”.
Theo ông Mến, vụ đầu tiên này ước tính cả vườn thu được 650kg, giá bán thị trường dao động 80.000-100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vì đây là vụ nho đầu tiên của ông và cũng là vườn nho duy nhất tại quê nhà nên ông không bán mà chỉ để cho khách tham quan, chụp hình. Còn hơn 100 gốc chờ vụ thu hoạch dịp Tết Nguyên Đán, lúc đó, ông sẽ kết hợp vừa bán vừa để cho khách tham quan.
Bà Lê Thị Lánh (vợ của ông Nguyễn Văn Mến – chủ vườn nho) chia sẻ, những ngày cuối tuần, vườn nho có thể lên đến khoảng 200 lượt khách tới tham quan, còn ngày nào vắng thì cũng khoảng 70-80 lượt khách. Dù dạo gần đây, thời tiết không thuận lợi nhưng mỗi ngày lượng khách vẫn đều”.
Phát triển du lịch nhà vườn kết hợp phát triển kinh tế, đặc biệt với giống nho Ninh Thuận, đây là mô hình khá mới trên đất An Giang. Hiện nay, giá nho đang ở mức cao, người nông dân nơi đây biết tận dụng nhà vườn của mình để tạo sự hấp dẫn thu hút khách du lịch là một ý tưởng mới lạ và độc đáo, đồng thời hiệu quả có thể nhân rộng nhờ bán được sản phẩm nông nghiệp tại quê nhà.