Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh vừa ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Hội đồng gồm 15 thành viên do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy làm chủ tịch hội đồng. Những thành viên còn lại là lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Hội đồng thẩm định nội bộ có trách nhiệm rà soát, thẩm định các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành để trình Thủ tướng theo quy định.
Trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành do liên danh nhà thầu Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập.
Theo đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được nghiên cứu với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối tại sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Đây là tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM với sân bay Long Thành với tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, tải trọng trục 16 tấn/trục, điện khí hóa.
Tốc độ thiết kế trên chính tuyến là 120km/h, trong hầm là 90km/h. Tốc độ khai thác tối đa trên chính tuyến là 110km/h, trong hầm là 80km/h. Năng lực chuyên chở từ 30.000 – 40.000 người/hướng/giờ.
Chiều dài chính tuyến là 41,83km, chiều dài đường dẫn depot là 4,4km, bao gồm: 40,67km đi trên cao (cầu cạn, cầu vượt sông), 15,13km đi ngầm, 0,43km đi trên nền đất.
Toàn tuyến có 20 nhà ga (16 ga trên cao và 4 ga ngầm), 1 depot bố trị tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và 1 bãi đỗ tàu, trạm sửa chữa, vệ sinh tàu tại Thủ Thiêm.
Ngoài kết nối trung tâm TP.HCM đến sân bay Long Thành, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành còn kết nối với metro số 2 tại ga Thủ Thiêm, kết nối đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu tại ga S18, kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại ga Thủ Thiêm và ga Long Thành.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành khoảng 84.752 tỉ đồng, tương đương 3,454 tỉ USD. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỉ đồng.
Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công, phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2025, phấn đấu khởi công trước năm 2030, hoành thành đưa vào khai thác từ năm 2035.
Với quy mô trên, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội là cấp quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng quyết định đầu tư dự án.