Sắc lệnh nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Báo Yomiuri đưa tin, sắc lệnh do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đưa ra và được thông qua vào ngày 5.7.
Sắc lệnh này khuyến khích người dân địa phương cười khúc khích, cười như nắc nẻ hoặc cười ha hả hàng ngày, đồng thời yêu cầu các chủ doanh nghiệp “tạo dựng môi trường làm việc tràn ngập tiếng cười”.
Ngày 8 hàng tháng cũng được coi là ngày “cư dân tăng cường sức khỏe bằng tiếng cười”.
Sáng kiến này là kết quả của nghiên cứu về tiếng cười tại Khoa Y Đại học Yamagata. Các nghiên cứu cho thấy cười nhiều khiến sức khỏe tốt hơn và tăng tuổi thọ.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Dịch tễ học năm 2020, các nhà khoa học tại Đại học Yamagata đã nghiên cứu 17.152 người trên 40 tuổi và xác định rằng “tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn đáng kể ở những người có tần suất cười thấp”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tiếng cười và sự tận hưởng cuộc sống, tâm lý tích cực, nâng cao sự tin tưởng, sự cởi mở và tận tâm.
Tuy nhiên, luật mới không được hoan nghênh rộng rãi khi các thành viên của cả Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) và Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đều bỏ phiếu chống lại đề xuất này.
Toru Seki của JCP phàn nàn rằng, “cười hay không cười là một trong những quyền cơ bản của con người được hiến pháp đảm bảo về quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng, cũng như quyền tự do nội tâm”.
Satoru Ishiguro, thành viên CDPJ cho biết: “Chúng ta không được làm suy yếu nhân quyền của những người khó cười vì bệnh tật hoặc vì lý do khác”.
Trong khi đó, Đảng LDP giải thích: “Sắc lệnh không buộc mọi người phải cười, mà tôn trọng quyết định của các cá nhân”.
Chính quyền địa phương cũng nói rõ rằng sắc lệnh không có điều khoản phạt đối với bất kỳ ai không thể cười ít nhất một lần mỗi ngày.
Mặc dù luật cười có vẻ kỳ lạ, nhưng Nhật Bản có nhiều quy định mà người nước ngoài có thể thấy bất thường. Ví dụ, làm hư hại tiền là tội có thể bị phạt tới 1 năm tù, trong khi các công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ pháp lý phải bồi thường nếu ai đó chết trong một cuộc đấu tay đôi. Đổ rác không đúng ngày cũng có thể bị phạt.
Nhật Bản cũng từng có luật chống khiêu vũ, có từ năm 1948, cấm mọi hình thức khiêu vũ ở nhiều hộp đêm và quán bar. Tuy nhiên, sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài, lệnh cấm gây tranh cãi này đã được dỡ bỏ vào năm 2014, cho phép những người yêu thích khiêu vũ một lần nữa được tự do thỏa thích.