Chi phí bào mòn lợi nhuận
Công ty cổ phần Licogi 14 (L14) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo báo cáo, trong quý này, L14 ghi nhận doanh thu tăng mạnh, trong đó đóng góp lớn nhất khoản thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ với 35 tỉ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty cũng có khoản thu 227,5 triệu đồng từ cho thuê kiốt chợ Minh Phương. Hoạt động xây dựng không ghi nhận doanh thu trong kỳ. Đáng chú ý, doanh thu tài chính kỳ này của L14 ghi nhận 1,4 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với con số 2,6 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tuy doanh thu tăng cao nhưng giá vốn mà Licogi 14 bỏ ra còn tăng mạnh hơn. Trong đó, giá vốn hàng bán tăng tới 225% lên hơn 13 tỉ đồng; khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm từ 77% về còn 62,7%. Ngoài giá vốn hàng bán, các chi phí như chi phí khác cũng tăng mạnh: Chi phí bán hàng tăng 53%, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 46%. Đáng chú ý là chi phí tài chính tăng tới 2.675% từ 0,17 tỉ đồng quý III/2021 lên 6,2 tỉ đồng quý III/2022, chủ yếu là các khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn. Do giá vốn và chi phí tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của Licogi 14, kéo lãi của doanh nghiệp này giảm 7,6% chỉ còn 8,12 tỉ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Licogi 14 đạt 129 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh xuống dốc nửa đầu năm nay (lỗ sau thuế 23,73 tỉ đồng) khiến Licogi 14 lỗ sau thuế 15,61 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 39 tỉ đồng. Đến hết 30.9.2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của L14 âm 115,9 tỉ đồng, tăng 180,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm 3,4 tỉ đồng.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu L14 của Công ty cổ phần Licogi 14 vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ kể từ ngày 19.8 do kết quả kinh doanh 6 tháng là số âm.
Gánh nặng từ đầu tư chứng khoán
Trước đó như Báo Lao Động đã đưa tin, đầu tư tài chính đã trở thành gánh nặng của Licogi 14 trong những tháng vừa qua. Đến cuối quý III/2022, chứng khoán đầu tư ngắn hạn ghi nhận trị giá 105,2 tỉ đồng, khoản đầu tư này thời điểm đầu năm chưa phát sinh và cũng là nguyên nhân khiến L14 phải trích lập dự phòng như đã đề cập ở trên. Trong báo cáo tài chính bán niên soát xét, Báo Lao Động cũng đã đề cập đến việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính đã khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của L14 giảm 1,78 lần so với cùng kỳ 2021, dù các hoạt động khác như kinh doanh bất động sản và xây lắp vẫn hoạt động hiệu quả.
Theo báo cáo soát xét bán niên 2022, đến 30.6, L14 đang nắm giữ 1.321.300 cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần tập đoàn C.E.O và 217.300 cổ phiếu DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng. Hai mã này đã khiến L14 lỗ tạm tính đến 30.6 lần lượt hơn 51,5 tỉ đồng và gần 11,3 tỉ đồng. Trong kỳ, L14 đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 63 tỉ đồng.
Trong bản thuyết minh, L14 lý giải: Qua những vụ việc sai phạm rất lớn về thao túng thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số tập đoàn, công ty chứng khoán lớn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sợ hãi, cảm xúc của các cổ đông, nhà đầu tư của cả thị trường chứng khoán Việt Nam. L14 cũng cho biết: “Hiện nay, tất cả các mã chứng khoán công ty đầu tư vào các doanh nghiệp đều có tiềm lực về các dự án bất động sản, có nền tài chính vững mạnh, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Công ty xác định đầu tư ổn định, lâu dài khi thị trường phát triển tốt thì sẽ linh hoạt trong điều hành, kinh doanh để hiệu quả”.
Đến hết quý III năm nay, L14 có tổng tài sản là gần 554 tỉ đồng, giảm 3,5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh tăng 29,9% so với đầu kỳ lên 155,8 tỉ đồng và phần lớn nằm ở chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (155 tỉ đồng). Đến thời điểm này, dư nợ tài chính của Licogi 14 đạt 18,3 tỉ đồng, tăng gần 70% so với đầu năm; trong đó chủ yếu là nợ dài hạn (hơn 12 tỉ đồng) và đều là từ các khoản vay ngân hàng.