Hơn một tuần nay, bà Nguyễn Thị Biên (Bù Gia Mập, Bình Phước) cho biết đã bán ra hơn 1 tấn cà phê tươi với giá 20.500 – 21.000 đồng/kg. Theo bà Biên, giá trên cao gấp 4 lần những năm trước nên gia đình tranh thủ hái nhanh, bán sớm, thay vì chọn để lại, phơi khô làm nhân như mọi năm.
Tương tự, ông Đinh Văn Quyết (Gia Nghĩa, Đắk Nông) cho biết đã bán ra hơn 4 tấn cà phê tươi với giá 22.000 – 22.500 đồng/kg, rẻ hơn khoảng 500 – 1.000 đồng/kg so với một số vùng nhưng gia đình vẫn muốn hái sớm, bán tươi.
Nhiều đại lý tại khu vực Tây Nguyên xác nhận do giá đang tốt hơn hẳn mọi năm nên nhiều nhà vườn đang có tâm lý thu hoạch sớm để bán tươi. Tuy nhiên, việc thu hoạch sớm dẫn đến tình trạng tỉ lệ trái chín chưa nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết tháng 12 mới vào chính vụ nên mùa vụ cà phê trong nước còn dài, việc nông dân chọn bán tươi sớm chủ yếu do tâm lý sợ giá giảm khi vào chính vụ.
Tuy vậy, theo ông Hải, Việt Nam đang gần như một mình một chợ do các nước sản xuất cà phê lớn không thu hoạch thời điểm này, đặc biệt Brazil – quốc gia cung cấp sản lượng đứng đầu – phải tháng 5-6 năm sau mới đến vụ. Chưa kể, hiện lượng cà phê tồn không quá nhiều, trong khi nhu cầu thế giới đang tốt.
“Ngoài yếu tố cung cầu, giá cà phê chịu ảnh hưởng từ chính trị, đầu tư tài chính… Tuy nhiên, nếu Việt Nam điều tiết lượng bán ra vừa phải, không ào ạt thì giá cà phê có thể sẽ còn ở mức tốt. Trường hợp giá có giảm cũng khó giảm sâu”, ông Hải nhận định.
Thời gian qua, giá cà phê tăng nóng, với mức đỉnh hơn 135.000 đồng/kg nhân. Gần đây, giá mặt hàng này hạ nhiệt. Nhưng với giá thành sản xuất khoảng hơn 30.000 đồng/kg, nhiều nông dân cho biết tỉ lệ lợi nhuận từ cà phê đang rất lớn.
Theo Vicofa, do ảnh hưởng thời tiết nắng hạn, dịch bệnh, sản lượng cà phê Việt Nam năm nay dự kiến đạt khoảng 1,5-1,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm ngoái.