Dland và khoản vay 220 tỉ đồng
Theo báo cáo soát xét tài chính hợp nhất giữa niên độ của CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH), tại ngày 30.6.2023, tổng tài sản công ty đạt 3.970 tỉ đồng, tăng thêm 3% sau 6 tháng.
Theo đó, tiền mặt tại công ty có hơn 163 tỉ đồng, gần 121 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, hơn 3 tỉ đồng tiền đang chuyển.
Ngoài ra, DRH Holdings còn khoảng 222 tỉ đồng phải thu về cho vay, bao gồm 30 tỉ đồng cho vay ngắn hạn và hơn 192 tỉ đồng cho vay dài hạn.
Trong đó, có đến 221,6 tỉ đồng là tiền doanh nghiệp này cho CTCP Kinh doanh địa ốc Dland (Dland) vay. Đây là các khoản vay tín chấp, có kỳ hạn còn lại từ 8 đến 24 tháng kể từ ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (30.6.2023 – PV) và hưởng lãi suất 12% năm.
Trên thực tế, khoản vay giữa Dland và DRH Holdings bắt đầu được ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II/2022 của công ty, với số tiền ban đầu là 185,5 tỉ đồng (phải thu về cho vay dài hạn).
Đến báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 của DRH Holdings, số tiền công ty cho Dland vay lên đến 219 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trước thời điểm DRH Holdings bắt đầu phát sinh những khoản cho vay với Dland, doanh nghiệp này đã huy động thành công 410 tỉ đồng trái phiếu (ngày 23.2.2024) với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 12% năm.
Mục đích phát hành thực hiện hợp tác với chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp KSB và/hoặc bên thứ 3 hợp tác để cùng triển khai hoạt động bồi thường, giải phóng, san lấp, hoàn thiện mặt bằng giai đoạn 2 của dự án Khu công nghiệp Đất Cuốc – Bình Dương và tài trợ vốn cho Công ty Bình Đông – chủ đầu tư – để hoàn thiện dự án căn hộ Aurora.
Như vậy, không loại trừ khả năng Dland là bên thứ 3 hợp tác để triển khai phần liên quan đến dự án án Khu công nghiệp Đất Cuốc – Bình Dương như phía DRH Holdings đã đề cập.
Được biết Dland là doanh nghiệp do ông Trần Hoàng Anh – Thành viên HĐQT DRH Holdings cùng với ông Ngô Đức Sơn – Tổng Giám đốc DRH Holdings cùng với các cộng sự của mình thành lập vào tháng 4.2018 tại TPHCM, vốn điều lệ 20 tỉ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Điều thú vị là dù vay DRH Holdings đến hàng trăm tỉ đồng, thế nhưng, theo cập nhật mới nhất của Dland trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tại ngày 30.5.2022, công ty này chỉ có vỏn vẹn 2 lao động.
Loạt công ty con có gần 30 tỉ đồng nợ thuế đã quá hạn thanh toán
Tại ngày 30.6.2023, hàng tồn của DRH Holdings khoảng 1.117 tỉ đồng, chiếm phần lớn là bất động sản dở dang bao gồm các dự án đang triển khai để phát triển các khu dân cư như Cao ốc Căn hộ – Thương mại dịch vụ Aurora (633 tỉ đồng) và Khu dân cư Metro Valley (483 tỉ đồng).
Ngoài ra, DRH Holdings còn dành gần 862 tỉ đồng đầu tư vào công ty liên kết. Được biết, đây là số tiền mà công ty đã chi ra để sở hữu 29,75% cổ phần CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán nợ phải trả DRH Holdings còn 2.394 tỉ đồng, tăng thêm 162 tỉ đồng sau 6 tháng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn khoảng 771 tỉ đồng.
Nhìn vào cơ cấu nợ vay DRH Holdings có thể thấy, có gần 203 tỉ đồng là vay các công ty chứng khoán nhằm mục đích đầu tư tài chính có kỳ hạn gốc là 90 ngày kể từ ngày giải ngân và sẽ tự động tái tục mỗi 3 tháng. Các khoản vay này chịu lãi suất thả nổi, với lãi suất hiện tại từ 11,4%/năm đến 14%/năm và được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ các khoản vay.
Phần nợ vay còn lại (576 tỉ đồng) là dư nợ trái phiếu. Trong đó có 166 tỉ đồng đã quá hạn thanh toán gốc, thế nhưng phía doanh nghiệp vẫn chưa thể thu xếp nguồn vốn để thanh toán cho trái chủ.
Ngoài ra, thuyết minh báo cáo tài chính DRH Holdings còn cho biết, vào ngày 30.6.2023, loạt công ty con của doanh nghiệp bao gồm An Phú Long, Đông Sài Gòn và Bình Đông chưa thanh toán các khoản nợ thuế đã quá hạn thanh toán với tổng số tiền gần 30 tỉ đồng.