Báo cáo từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường chỉ ra phần lớn tín dụng những tháng đầu năm nay vẫn được thúc đẩy bởi ngành bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tăng vay
Thống kê của Tuổi Trẻ Online dựa trên báo cáo tài chính gần 80 doanh nghiệp ngành quản lý và phát triển bất động sản (không bao gồm Vingroup), tổng nợ vay (vay và nợ thuê tài chính) tại thời điểm cuối quý 2-2024 đạt hơn 245.640 tỉ đồng.
Con số này chỉ tăng 10% so với đầu năm, nhưng đã tăng tới 52% so với cuối năm 2020.
Dữ liệu bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn dựa trên báo cáo tài chính gần 80 doanh nghiệp đã niêm yết trong lĩnh vực quản lý và phát triển bất động sản (chủ yếu là các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu, thuê tài chính…)
Đáng chú ý, top 12 doanh nghiệp có dư nợ vay lớn nhất đã chiếm tới hơn 80% tổng dư nợ của toàn bộ nhóm này.
Tại thời điểm cuối quý 2 năm nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn này đều có xu hướng tăng vay nợ so với đầu năm. Chỉ 3 đơn vị đi “ngược chiều”.
Dữ liệu: BCTC DN
Trong đó, tốc độ tăng vay nợ mạnh nhất là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Group (DIG), với khoảng 39% so với cuối năm ngoái.
Tiếp đến là Phát Đạt (PDR) với mức tăng gần 35% sau 6 tháng. Nhà Khang Điền, Văn Phú Invest cũng là những doanh nghiệp có dư nợ vay tăng trưởng 2 chữ số so với cuối năm ngoái.
Ngược lại, một số doanh nghiệp trên sàn đã “sạch bóng” nợ vay. Theo đó, dữ liệu trên báo cáo tài chính quý 2-2024 không còn ghi nhận bất kỳ khoản nợ nào ở mục vay và nợ thuê tài chính.
Đơn cử như trường hợp Sonadezi Giang Điền (SZG), Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL)…
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp có dư nợ vay thấp và giảm dần khác như Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3)…
Những lưu ý khi nợ vay tăng cao
Rủi ro có thể phát sinh khi doanh nghiệp vay nợ quá nhiều. Trong khi lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản thường sẽ cao hơn mặt bằng chung thị trường. Chi phí lãi vay có thể “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp trong điều kiện kinh doanh kém thuận lợi. Cũng không phải tự nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thổ lộ mục tiêu lớn là “sạch bóng” nợ vay.
Khi nợ vay chiếm quá lớn so với nguồn vốn chủ sở hữu, không chỉ doanh nghiệp mà “chủ nợ” cũng sẽ lo nơm nớp. Kiểm toán cũng thường nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục một doanh nghiệp, khi đơn vị này lâm vào tình trạng nợ phải trả lớn hơn tài sản.
Một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp là D/E – viết tắt Debt to Equity ratio (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu).
D/E lấy mốc 1 làm tiêu chuẩn. Khi hệ số này lớn hơn 1, tức doanh nghiệp có nợ nhiều hơn vốn chủ sở hữu. Một chỉ số khác cũng được dùng để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, đó là dư nợ vay/tổng tài sản – DAR (D/A).
DAR quá cao cho thấy doanh nghiệp không có đủ thực lực tài chính, mà chủ yếu đi vay để kinh doanh. Tuy nhiên DAR quá thấp, cũng cần xem xét thêm yếu tố khác để có thể đánh giá việc doanh nghiệp chưa tận dụng được kênh huy động vốn.