Trong phiên điều trần, Luật sư Eric Emerson của Steptoe LLP – đại diện Bộ Công Thương Việt Nam – lập luận, Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ.
“Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động ở những tiêu chí này tốt hoặc thường tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường” – Luật sư Eric Emerson nói.
Trong lập luận, Việt Nam cho rằng, nên được gỡ nhãn phi thị trường bởi đã có những cải cách kinh tế gần đây và việc bị gán là nền kinh tế phi thị trường cũng không tốt cho quan hệ song phương Việt – Mỹ.
Ủng hộ Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ông Scott Thompson – Giám đốc chính sách công của Samsung Electronics chi nhánh Mỹ – cho hay, Công ty Samsung Electronics đã trở thành một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam nhờ những thay đổi theo định hướng thị trường của Việt Nam.
“Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn của Mỹ, mang lại lợi ích cuối cùng cho nền kinh tế Mỹ” – ông nói.
Tại phiên điều trần, các bên phản đối lập luận rằng, các cam kết chính sách của Việt Nam chưa tương ứng với hành động, đồng thời lo ngại về việc các ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, với nhiều mặt hàng trong số đó bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Ông Jeffrey Gerrish – cựu quan chức thương mại chính quyền Tổng thống Donald Trump, đại diện nhà sản xuất thép Steel Dynamics – cho biết, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ dẫn tới làn sóng nhập khẩu giao dịch không công bằng từ Việt Nam, từ đó tạo nền tảng cho Trung Quốc lách thuế ở Mỹ.
Hiện tại, Việt Nam cùng Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác nằm trong danh sách nền kinh tế phi thị trường. Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, trong khi đó, thuế với tôm từ Thái Lan – một nền kinh tế thị trường – chỉ ở mức 5,34%.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 9.5, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng hoan nghênh phiên điều trần của Bộ Thương mại Mỹ ngày 8.5.
“Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam” – bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ ra, tới nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác khắp các châu lục.
“Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước” – Người phát ngôn nhấn mạnh.
Nhận định trên tờ Deutsche Welle, bà Trinh Nguyen – chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á mới nổi tại Natixis, một ngân hàng chi nhánh của Tập đoàn ngân hàng Pháp BPCE – nhấn mạnh: “Công nhận nền kinh tế thị trường giúp Việt Nam tránh được thuế chống bán phá giá của Mỹ, do đó, nếu được công nhận quy chế này, Việt Nam sẽ khiến cho sản phẩm của nước này cạnh tranh hơn”.
Bà Trinh Nguyen cho biết thêm: “Mỹ là thị trường trọng điểm nên việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp ích cho Việt Nam”.