BRICS – từ viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – là khối được thành lập năm 2009 với tên gọi ban đầu là BRIC, đổi thành BRICS năm 2010 khi Nam Phi gia nhập. BRICS được thành lập để thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa giữa các thành viên.
Năm quốc gia ban đầu của BRICS có GDP là 25,8 nghìn tỉ USD vào năm ngoái, tương đương khoảng 1/4 tổng toàn cầu, trong khi các quốc gia G7 là 46,8 nghìn tỉ USD.
Tại sao Malaysia và Thái Lan muốn gia nhập BRICS? Nikkei chỉ ra, việc tham gia BRICS sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nền kinh tế mới nổi tương đương, trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, Malaysia coi đây là cơ hội để tham gia vào chủ nghĩa đa phương đang lên, theo học giả Hoo Chiew Ping tại East Asian International Relations Caucus. Bà cho hay, việc tham gia vào BRICS sẽ “ủng hộ một thế giới đa cực” thay vì bị lôi kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới của các cường quốc hàng đầu thế giới.
Thái Lan cho biết, việc trở thành thành viên BRICS sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Thái Lan trong cộng đồng các quốc gia mới nổi.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan chia sẻ hồi tuần trước rằng Thái Lan muốn “đóng nhiều vai trò hơn, thúc đẩy tiềm năng của Thái Lan để cùng các quốc gia phát triển và đang phát triển cung cấp cho cộng đồng toàn cầu những hướng dẫn phát triển để thúc đẩy bình đẳng, công lý”. Người phát ngôn nhấn mạnh, trở thành thành viên BRICS không có nghĩa là Thái Lan sẽ chọn phe.
Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Jakarta vẫn đang đánh giá lợi ích của việc gia nhập BRICS. Hiện Indonesia đang có tham vọng gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhóm OECD đã mở các cuộc thảo luận gia nhập với Indonesia vào tháng 2 năm nay và nếu thành công, Indonesia sẽ trở thành thành viên OECD đầu tiên từ Đông Nam Á.
Rahul Mishra – phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) – nhận định, động thái của Malaysia và Thái Lan sẽ thúc đẩy Indonesia hồi sinh các kế hoạch liên quan tới BRICS.
Về tác động của việc Thái Lan, Malaysia gia nhập BRICS với khu vực Đông Nam Á, chuyên gia Fikry A Rahman – người đứng đầu bộ phận đối ngoại tại viện nghiên cứu Bait Al-Amanah của Malaysia – nhận định, ASEAN sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở Đông Nam Á.
Việc mở rộng BRICS nói chung được đánh giá là góp phần thúc đẩy tiếng nói của các nước phương Nam Toàn cầu. Tháng 1.2024, BRICS đã kết nạp thêm các quốc gia thuộc thế giới phương Nam Toàn cầu là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).