Nỗ lực của Nga nhằm ký thỏa thuận siêu đường ống dẫn khí với Trung Quốc bị mắc kẹt do yêu cầu của Bắc Kinh về giá cả và mức độ cung cấp, 3 nguồn thạo tin tiết lộ với Financial Times ngày 3.6.
Theo đó, Trung Quốc yêu cầu trả mức giá gần bằng mức giá nội địa được trợ cấp lớn của Nga và sẽ chỉ cam kết mua một phần nhỏ so với công suất hàng năm dự kiến là 50 tỉ mét khối khí đốt của đường ống Sức mạnh Siberia 2.
Dù Nga tin tưởng thỏa thuận về Sức mạnh Siberia 2 sẽ được ký kết “trong tương lai gần”, nhưng 2 nguồn tin tiết lộ với Financial Times rằng, bế tắc là lý do chính khiến ông Alexei Miller – Giám đốc điều hành Gazprom – không tháp tùng Tổng thống Vladimir Putin thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tháng trước.
Sự có mặt của CEO Alexei Miller rất cần cho bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào với Trung Quốc về dự án và sự vắng mặt của lãnh đạo Gazprom “mang tính biểu tượng cao” – nhà nghiên cứu Tatiana Mitrova tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) nhận định. CEO Gazprom Alexei Miller có chuyến đi tới Iran vào thời điểm Tổng thống Putin thăm Trung Quốc.
Theo các nguồn tin, thỏa thuận về đường ống Sức mạnh Siberia 2 là một trong ba yêu cầu chính mà Tổng thống Putin đã nêu ra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm. Hai vấn đề còn lại là cho phép nhiều hoạt động ngân hàng Trung Quốc ở Nga hơn và yêu cầu Trung Quốc từ chối hội nghị hòa bình do Ukraina tổ chức trong tháng này.
Theo Alexander Gabuev – Giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia ở Berlin (Đức), việc Nga thiếu một tuyến đường bộ thay thế để xuất khẩu khí đốt có nghĩa là Gazprom có thể sẽ phải chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc.
“Trung Quốc tin rằng thời gian đang ở phía mình. Họ còn thời gian chờ đợi để giành được những điều khoản tốt nhất từ phía Nga và chờ đợi sự chú ý về mối quan hệ Trung – Nga chuyển sang nơi khác. Đường ống này có thể được xây dựng khá nhanh vì các mỏ khí đốt đã phát triển. Cuối cùng, người Nga không còn lựa chọn nào khác để đưa khí đốt ra thị trường” – ông nói.
Việc phê duyệt siêu đường ống dẫn khí Nga – Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình của Gazprom bằng cách kết nối thị trường Trung Quốc với các mỏ khí đốt ở miền tây nước Nga từng cung cấp cho thị trường châu Âu.
Gazprom chịu khoản lỗ 629 tỉ rúp (6,9 tỉ USD) vào năm ngoái, mức lỗ lớn nhất trong vòng 1/4 thế kỷ, trong bối cảnh doanh số bán khí đốt sang châu Âu giảm mạnh.
Trước xung đột ở Ukraina, Gazprom dựa vào việc bán khí đốt cho châu Âu với giá cao để trợ cấp cho thị trường nội địa Nga.
Dữ liệu hải quan năm 2019-2021 cho thấy, Trung Quốc trả tiền khí đốt Nga ít hơn so với các nhà cung cấp khác, với mức giá trung bình là 4,4 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu), so với giá 10 USD của Myanmar và 5 USD của Uzbekistan.
Cùng khoảng thời gian đó, Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu với giá khoảng 10 USD/triệu Btu, theo dữ liệu do ngân hàng trung ương Nga công bố.
Theo TASS, ngày 3.6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng có lợi với Nga trong dự án đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2.
Cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga tin tưởng tất cả các thỏa thuận cần thiết với Trung Quốc về vấn đề cung cấp năng lượng sẽ đạt được.