Các khu vực ở Bắc và Nam Mỹ, tây bắc và đông nam châu Phi, đông nam và viễn đông châu Á, Tây Australia và châu Âu đều chứng kiến nhiệt độ kỷ lục hàng ngày hoặc trong cả tháng – theo bài viết trên website của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
“Nhiệt độ bất thường phù hợp với hiện tượng nóng lên liên tục được quan sát kể từ tháng 6.2023, với 7 kỷ lục nhiệt độ toàn cầu mới liên tiếp hàng tháng, bao gồm cả tháng 1.2024. Nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu cao kỷ lục. Trong khi sự kiện El Nino làm tăng nhiệt độ ở một số nơi trên thế giới thì biến đổi khí hậu do con người gây ra mới là yếu tố góp phần chính trong dài hạn” – Alvaro Silva, nhà khí hậu học của WMO cho biết.
Trong khi đó, phần lớn vùng tây bắc Canada, Trung Á và từ miền trung nam Siberia đến đông nam Trung Quốc, miền bắc Việt Nam lại chứng kiến đợt không khí lạnh tăng cường trong tuần cuối của tháng 2.
Mùa đông khí tượng ở Bắc bán cầu và mùa hè ở Nam bán cầu kết thúc vào cuối tháng 2.
Châu Phi
Nhiều quốc gia trên khắp châu Phi phải hứng chịu nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ ngày và đêm đạt kỷ lục mới trong tháng 2. Miền nam châu Phi (bao gồm Botswana, Namibia, Mozambique, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe) có nhiệt độ cao hơn mức trung bình tháng 2 từ 4-5 độ C.
Châu Á
Nhiều khu vực ở Đông Nam Á đang phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt, bao gồm Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và miền nam Việt Nam. Nhiệt độ thường xuyên tăng vọt lên mức cao nhất là 30 độ – cao hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa.
Ví dụ, Saravanh ở phía nam Lào ghi nhận nhiệt độ 38,2 độ C vào ngày 21.2 (nhiệt độ cao nhất trung bình tháng 2 ở khu vực này là khoảng 31-32 độ C).
Nhiệt độ ban đêm tối thiểu cũng cao hơn nhiều so với mức trung bình trong khu vực.
Trong khi đó, theo dự báo thời tiết ngày 6.3, ở miền bắc Việt Nam vẫn tiếp tục có không khí lạnh gây mưa và giảm nhiệt nhanh.
Australia
Nhiệt độ cao đặc biệt ảnh hưởng đến Tây Australia. Thành phố Perth đã đạt tới 40 độ C bảy lần trong tháng 2, mức cao nhất trong bất kỳ tháng nào.
Thị trấn Carnarvon có nhiệt độ 49,9 độ C vào ngày 18.2 – một kỷ lục mới và là nhiệt độ tháng 2 cao thứ hai được ghi nhận ở Australia.
Châu Âu
Ước tính sơ bộ cho thấy phần lớn châu Âu (trừ miền bắc) có nhiệt độ trung bình tháng 2 ấm hơn bình thường ít nhất 2 độ C. Một số khu vực ở miền trung và đông nam châu Âu thậm chí còn có độ lệch cao hơn so với bình thường ở mức 4-6 độ C.
Tháng 2.2024 có thể là tháng ấm nhất hoặc là một trong những tháng ấm nhất trong tháng 2 được ghi nhận ở khu vực này. Nhiệt độ cao nhất lên tới 20 độ C và cao hơn ở một số nơi, hoặc cao hơn 10 độ C so với mức trung bình của tháng 2.
Các hệ thống áp suất thấp di chuyển từ Bắc Đại Tây Dương vào châu Âu đóng vai trò gây ra nhiệt độ cao. Một vài trong số đó đi qua Bắc Âu, số khác đi xa hơn về phía nam tới Địa Trung Hải. Hệ thống áp suất thấp “Dorothea”, nằm trên phía tây Địa Trung Hải vào ngày 27.2.2024. Phía đông Dorothea, không khí cận nhiệt đới ấm áp từ Bắc Phi được dẫn đến vùng đông nam và đông Trung Âu, khiến nhiệt độ tăng cao.
Kết hợp với các yếu tố khác (sự nóng lên toàn cầu và đặc biệt là sự nóng lên của bề mặt biển Địa Trung Hải), điều này có thể gây ra nhiệt độ cực cao trong thời gian vài ngày.
Châu Mỹ
Ở Mỹ, thời tiết ấm áp đã thống trị phần lớn khu vực giữa đất nước do khối không khí khô và ấm dưới ảnh hưởng của hệ thống áp suất cao. Một vùng rộng lớn có nhiệt độ cao kỷ lục đã ảnh hưởng đến phần lớn khu vực này vào ngày 26-27.2 trước khi nhường chỗ cho thời tiết lạnh hơn nhiều.
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Killeen/Fort Hood ở Texas là 37,8 độ C. Cháy rừng quét qua Texas Panhandle, trong đó vụ cháy Smokehouse Creek được mô tả là vụ cháy lớn thứ hai trong lịch sử Texas.
Nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài ở một số khu vực ở Nam Mỹ đã dẫn đến nạn cháy rừng bùng phát vào tháng 2.