Theo Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11, có 17/20 khoản thu, sắc thuế đạt trên 94% so với dự toán, trong đó một số khoản thu lớn như thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 103%; phí – lệ phí ước đạt 108,6%; thu từ hoạt động xổ số ước đạt 108,2%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 171%;…
Đặc biệt, số thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 106,9% dự toán. Thực tế, trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, so với dự toán là 159.124 tỉ đồng, số thu thuế thu nhập cá nhân 11 tháng qua đạt trên 170.000 tỉ đồng, ước vượt hơn 10.000 tỉ đồng.
Còn so với cách đây 10 năm, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng khoảng 3 lần. Năm 2015, tổng số thu thuế là 56.723 tỉ đồng.
Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế, Bộ Tài chính cho biết tỉ trọng số thu từ thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ mức 5,33% năm 2011 lên hơn 9% năm 2023.
Thuế thu nhập cá nhân đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước đứng thứ ba trong hệ thống thuế, sau thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành của luật thuế này cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh sau 4 năm áp dụng cũng cần phải sửa đổi để đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua, cũng như dự báo cho thời gian tới đây.
Đồng thời chính sách tới đây sẽ xem xét bổ sung các khoản giảm trừ liên quan đến một số lĩnh vực như y tế, giáo dục trước khi tính thuế.
Tại Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia…, các quốc gia này cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con, hoặc có nước cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp… trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh đó, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công tiền lương cũng sẽ giảm xuống so với mức 7 bậc như hiện nay.