“Mong gì từ Đại học?” bao gồm tuyển tập các bài viết của 15 tác giả trẻ viết về trải nghiệm học đại học của mình. Họ là giảng viên trường đại học, giáo viên trường phổ thông, bác sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ… hay vẫn đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường.
Họ đã hoặc đang học ở nhiều môi trường giáo dục có bối cảnh xã hội – văn hóa khác biệt – trong nước hoặc nước ngoài, nhưng đều có một điểm chung: Đại học đã tác động mạnh mẽ và có những dẫn bước làm thay đổi cuộc đời.
Cuốn sách do TS. Giáp Văn Dương làm chủ biên. Ông là chuyên gia giáo dục, tốt nghiệp Kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội (1999), Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbok (Hàn Quốc, 2002), Tiến sĩ Vật lý Kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo, 2006), và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Liverpool (Anh Quốc, 2007-2010).
Từ năm 2013 đến nay, ông trở lại Việt Nam và tập trung toàn thời gian để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Năm 2015, ông được Asia Society chọn là Asia 21 Young Leaders, đồng thời là một trong những người đồng sáng lập Trường hè Khoa học Việt Nam năm 2013 nhằm truyền cảm hứng và khuyến khích giới trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Theo đó, cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng dịp lỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh THPT Quốc gia vừa diễn ra, các “sĩ tử” còn đang hồi hộp chờ kết quả và chuẩn bị bước vào chặng đường mới, đó là cánh cổng Đại học.
Mỗi bài viết trong cuốn sách là một câu chuyện, một hành trình thích nghi, làm quen và học hỏi trong suốt những năm đại học và sau đó, từ lúc nhận được giấy báo trúng tuyển, ngày đầu nhập trường với bao thói quen và dự định, rồi tốt nghiệp ra trường và bắt đầu bươn chải với cuộc đời.
Có những khi thất vọng vì không biết mình là ai, mình thực sự muốn gì, cuộc đời sao lại không như mình tưởng tượng. Có cả những lúc chán nản và ý định bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tất cả đều đã tự thích nghi và tìm ra con đường riêng của mình, để giờ đây, cùng ngồi lại và chia sẻ cùng các bạn trẻ qua 15 bài viết.
Có thể không xuất sắc về văn chương, nhưng những chia sẻ này đều là những câu chuyện thực tế, được viết ra bởi chính trải nghiệm sống của các tác giả. Chính vì thế, độc giả có thể nhìn thấy hình bóng của chính mình trong những năm tháng đại học và khi mới ra trường để sống lại những năm tháng của tuổi trẻ, những va đập và điều chỉnh để vươn lên.
Trên hết, độc giả sẽ thấy nhiều cuộc đời của những người trẻ quanh ta, để từ đó, không chỉ học hỏi mà còn thấu hiểu hơn, thông cảm hơn, với chính mình và chính họ. Vì lẽ đó, cuốn sách với những người trẻ và những người muốn sống lại tuổi trẻ của mình với tất cả sự trân trọng.