Câu chuyện vì sao Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) lựa chọn tài trợ nhận được nhiều quan tâm trong buổi Công ty cổ phần Phúc Sinh công bố thông tin, ngày 15-8.
Theo bà Natalia Pasishnyk, giám đốc phát triển bền vững Quỹ đầu tư &Green, cho rằng doanh nghiệp nông nghiệp này có tài chính minh bạch.
“Đặc biệt quỹ này hướng tới chuyển đổi nông nghiệp bền vững, không tàn phá rừng, sản phẩm nông nghiệp như cà phê có thể truy xuất nguồn gốc. Điều này thể hiện qua 20 chứng chỉ quốc tế về phát triển bền vững, đủ để tin tưởng và cam kết với chúng tôi”, bà Natalia Pasishnyk nhấn mạnh.
Là công ty thành lập năm 2001, chuyên xuất khẩu hồ tiêu, tiêu xuất khẩu chiếm đến 8% thị phần thế giới vào năm 2007 và có mặt ở 102 thị trường, ông Phan Minh Thông – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh – cho rằng thị trường chính mà doanh nghiệp “mang quân đi đánh” là châu Âu và doanh số mang về khá ấn tượng.
Cụ thể, ông Thông liệt kê doanh số xuất mỗi năm của Công ty cổ phần Phúc Sinh vào mức 300 triệu USD (khoảng 7.062 tỉ đồng). Trong đó cà phê chiếm tỉ trọng lớn nhất với 60%, 30% còn lại là tiêu và 10% là mặt hàng trà.
“Để có sự rót vốn như hôm nay, chúng tôi có hơn chục năm và bỏ ra 800 triệu đồng để thuê chuyên gia ESG (chuyên gia về phát triển bền vững – PV) về đẩy mạnh phát triển bền vững. Từng có đối tác mua tiêu muốn sẽ đạt tỉ trọng 50% hàng ESG trên kệ. Do đó, nếu chúng tôi không phát triển bền vững sẽ không bán hàng được. Từng có 2 năm đầu thất bại, nhưng từ 2014, kết quả đã đến từ việc đẩy mạnh phát triển bền vững”, ông Thông nói.
Ông Thông cũng chia sẻ thêm câu chuyện 11 năm trước, các quỹ tài chính nước ngoài không có cái nhìn nhận đúng về công ty sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, nên bị định giá thấp.
Ông Thông nói thêm: “Qua câu chuyện tài trợ vốn từ nước ngoài, tôi muốn truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Tôi sẵn sàng chia sẻ cách thức để có nhiều công ty nông nghiệp Việt có thể “bắt tay” với các tổ chức tài chính quốc tế. Đây là một bước để định giá cao, để khẳng định giá trị nông sản Việt”.