
Bài viết từ năm 2013 trên Live Science đã cho biết, thời điểm đó, người Mỹ muốn có con đã có thể mua riêng tinh trùng và trứng được hiến, nhưng hoạt động bán phôi thai là tương đối mới và đặt ra những vấn đề đạo đức, pháp lý mới cần giải quyết.
Thời điểm đó, một phòng khám hỗ trợ sinh sản ở Davis, California, Mỹ đã bắt đầu kết hợp trứng và tinh trùng của người hiến tặng để tạo ra phôi. Những phôi này sau đó có thể được sử dụng trong các phương pháp điều trị sinh sản với mức giá 9.800 USD cho một lần mang thai, rẻ hơn nhiều so với chi phí để mang thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm truyền thống (IVF), theo Los Angeles Times.
Tờ báo này lưu ý, phòng khám có thể cung cấp phương pháp điều trị với chi phí thấp hơn bởi đã tạo ra một loạt phôi từ một tinh trùng và một trứng của người hiến tặng, sau đó bán phôi cho nhiều bệnh nhân. Những cặp vợ chồng lựa chọn phương pháp điều trị sinh sản này sẽ không có quan hệ di truyền với con cái của họ.
“Tôi kinh hoàng khi nghĩ đến điều này. Không khác gì việc trẻ em trở thành hàng hóa” – Andrew Vorzimer, luật sư về sinh sản ở Los Angeles, chia sẻ với Los Angeles Times.
I. Glenn Cohen – đồng giám đốc của Trung tâm Chính sách Luật Y tế, Công nghệ sinh học và Đạo đức Sinh học Petrie-Flom tại Trường luật Harvard – cho biết, dù hành động này có thể gây sốc nhưng dường như thời điểm đó chưa có luật nào ở 47 tiểu bang của Mỹ chống lại hành vi này.
Mới đây nhất, trong bài viết tháng 4.2024 về vấn đề phôi thai ở Mỹ, New York Times lưu ý, bán phôi là việc khác thường nhưng có thể không vi phạm luật liên bang. Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Quốc gia Mỹ năm 1984 cấm bán những phần bên trong hoặc từ cơ thể con người như thận, gan, xương và da, nhưng không đề cập đến phôi thai.
Tháng 9.2023, trang Gript của Ireland thông tin, các thành viên của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp cho phép bán phôi người dưới dạng “chất có nguồn gốc từ con người”. Các quy định, nếu được đưa vào luật, có nghĩa là phôi thai sẽ được phân loại giống như tế bào hoặc tế bào máu của con người và được bán. Cuộc bỏ phiếu về nội dung này đã giành được đa số tại Nghị viện châu Âu với 483 phiếu ủng hộ và 52 phiếu chống.
Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) và Katholisches Buro ở Berlin đã ra tuyên bố chung phản đối động thái này, nhấn mạnh việc thực thi “sẽ nêu ra nhiều vấn đề xung đột về đạo đức và hiến pháp ở các quốc gia thành viên EU”.
“Nếu đề xuất này trở thành luật sẽ cho phép phôi người được tạo ra trong phòng thí nghiệm đặc biệt cho mục đích nghiên cứu hoặc những phôi dự phòng còn sót lại trong quá trình IVF, được sử dụng cho nghiên cứu khoa học thương mại. Nói cách khác, chúng sẽ được rao bán. Thậm chí, chúng có thể bao gồm cả những đứa trẻ được thụ thai tự nhiên chưa sinh ra” – văn bản nêu rõ.
Tại Việt Nam, Quốc hội ngày 24.6 thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết về tính cấp thiết bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ.
Về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em.
“Chính vì vậy, đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán” – đại biểu này nhấn mạnh.