Ngày 27-7, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc kênh Vĩnh Tế, đoạn phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên và xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang đã có nước tràn đồng, người dân cũng tranh thủ giăng lưới và đặt dớn khắp nơi.
Dòng nước đổi màu, người dân phấn khởi
Dòng nước trên kênh Vĩnh Tế cũng chuyển sang màu đỏ quặng phù sa len lỏi trên cánh đồng. Nhiều người đã bủa lưới, đặt dớn khắp nơi trên các nhánh kênh và cánh đồng trũng có nước ngập.
Ông Cao Xuân Điệu – chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang – cho biết hiện nay nhiều thửa đất giáp Campuchia đã có nước tràn đồng, người dân biên giới cũng phấn khởi.
“Con nước lũ năm nay đến sớm hơn, cao hơn so với cùng kỳ vài tấc, bà con phấn khởi, vui vẻ hơn. Bà con hy vọng năm nay nước lớn sẽ mang theo phù sa. Nếu có nước lũ thì bà con mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản cũng có công ăn việc làm, tăng thu nhập mùa lũ”, ông Điệu nói.
Tiếp tục di chuyển đến chợ Nhà Bàng, thị xã Tịnh Biên mới thấy nhiều cá tôm được các tiểu thương bày bán đủ loại như: cá chốt, cá rô, lươn, tép và cá linh non được làm sẵn. Riêng cá linh non có giá 300.000 đồng/kg.
“Đây là cá linh đầu mùa được thương lái đến bán số lượng rất ít. Chúng tôi phải giành giật mới mua được một số ít này. Bây giờ phải làm sạch rồi bán cho khách là 30.000 đồng/100 gam, chứ đâu có cá nhiều mà bán”, chị Hằng, tiểu thương bán cá, nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Anh Dũng – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang – cho hay trên thị trường có 2 dạng cá linh non là cá nhân tạo và cá linh non đồng. Gần 1 tháng nay, cá linh non nhân tạo do một số hộ ươn cá linh non tại An Giang, Đồng Tháp đã bán ra trên thị trường.
Cá này có kích cỡ lớn, với giá trên 150.000 đồng/kg (cá ương nuôi). Đối với cá linh đồng, cá tự nhiên vừa có mấy ngày qua với kích cỡ nhỏ so với cá ương nuôi. Bà con bắt được một ít nên bán giá khá cao.
“Theo đúng thời gian thì sau mùng 5 tháng 5 âm lịch khoảng 1 tháng là có cá linh non rồi. Việc có cá linh non nhỏ vào thời điểm này không có gì bất thường.
Cá linh non mùa lũ năm nay xuất hiện như vậy có thể sớm hơn vài tuần so với cùng kỳ. Có thể do mưa bão thượng nguồn nên cá chạy theo con nước về sớm thôi”, ông Dũng nói.
Mực nước cao do mưa bão?
Ông Lưu Văn Ninh – giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang – thông tin khoảng 10 ngày qua, trên lưu vực sông Mekong xảy ra mưa lớn dẫn đến trên dòng chính sông Mekong xuất hiện đợt lũ, với biên độ lũ lên tại trạm Kratie đạt 6,30m và đỉnh lũ trong đợt này tại Kratie (Campuchia) là 18,5m (ngày 24-7), cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 5,15m, cao hơn trung bình nhiều năm 3,56m.
Do ảnh hưởng lượng lũ thượng nguồn sông Mekong, mưa lớn nội vùng và trùng vào kỳ triều cường giữa tháng 6 âm lịch, mực nước tại các trạm trên phạm vi tỉnh An Giang cũng dâng cao.
“Vùng hạ lưu sông thuộc tỉnh An Giang, mực nước cao nhất ngày 26-7 tại các trạm đều ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 0,50-0,65m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,55-0,65m, mực nước cao nhất ngày tại Chợ Mới đạt trên báo động I là 0,12m, tại Long Xuyên ở mức dưới báo động II là 0,08m. Mực nước đang có xu thế xuống chậm theo triều”, ông Ninh thông tin.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL – cho rằng hiện nay vào mùa mưa nên mực nước sông Mekong bắt đầu lên. Tuy nhiên, hiện tượng mực nước ở vùng đầu nguồn ở Tân Châu, Châu Đốc cao hơn cùng kỳ năm ngoái có thể chỉ là hiện tượng ngắn hạn do ảnh hưởng của trận bão gây mưa ở vùng biên giới Việt Nam – Lào giữa tháng 7 đổ về hạ lưu.
Theo đó, mực nước sông Mekong chỉ thấy dâng cao từ khoảng Stung Treng, Campuchia xuống ĐBSCL, còn đoạn từ biên giới Trung Quốc – Lào xuống Campuchia vẫn thấp hơn trung bình vì các đập lớn ở Trung Quốc như đập Tiểu Loan vẫn đang tích cực trữ nước vào hồ.
Tình trạng La Nina được dự báo xuất hiện trong giai đoạn tháng 8-11 tới đây với khả năng cao đến 70%. Khi đó lượng mưa trong lưu vực sẽ tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn đang trong tình trạng ENSO trung tính.
“Do đó hiện tượng mực nước cao hơn cùng kỳ quan sát được ở vùng đầu nguồn ĐBSCL chưa được hỗ trợ, bởi mực nước phía thượng nguồn sông Mekong đổ xuống và chưa có hiện tượng La Nina gây mưa nhiều thì khó có khả năng tăng mạnh bất thường trong thời gian ngắn tới đây.
Mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc cũng biến động lên xuống theo thủy triều từ Biển Đông theo chu kỳ nước rong, nước kém”, ông Thiện nhận định.