Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, việc Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 được cộng đồng quốc tế rất chú ý. Một mặt, những thành tựu, nỗ lực, cam kết và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã được ghi nhận rộng rãi. Mặt khác, một số cá nhân, tổ chức và chính giới quốc tế vẫn nhận định chưa khách quan về tình hình ở Việt Nam cũng như về năng lực thực hiện vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia, để lại những dấu ấn ngay từ những hoạt động đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền với nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự Phiên họp cấp cao và giới thiệu sáng kiến về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA). Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chủ trì, dẫn dắt Nhóm nòng cốt gồm 14 nước liên khu vực và đa dạng về trình độ phát triển xây dựng dự thảo, tổ chức tham vấn để Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 52/19 về vấn đề này với sự đồng bảo trợ của 121 nước – một “kỷ lục” của Hội đồng Nhân quyền trong những năm gần đây.
Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines đã xây dựng dự thảo nghị quyết về thúc đẩy sinh kế trong bối cảnh biến đối khí hậu và đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 80 nước tham gia đồng bảo trợ (Nghị quyết 53/6).
Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”. Việt Nam đã có hơn 80 phát biểu quốc gia trong những cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền về bảo đảm quyền con người trên những khía cạnh được cộng đồng quốc tế quan tâm như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm các quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hóa , quyền phát triển, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương…
Việt Nam đã có cách tiếp cận xây dựng trong những vấn đề nhân quyền còn nhiều khác biệt, bị chính trị hóa, có nhiều cọ xát tại Hội đồng Nhân quyền như tình hình các nước cụ thể (Ukraina, Nga, Palestine, Sudan…).
Đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền đã góp phần giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế. Vị thế thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng góp phần giúp Việt Nam vận động được các nước ủng hộ Việt Nam đấu tranh với những hoạt động xuyên tạc tình hình ở Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn Liên Hợp Quốc.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, năm 2024 là năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, với nhiều hoạt động trọng tâm như trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV, tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên, nhất là sáng kiến về biến đổi khí hậu và quyền con người, kết hợp với công tác vận động các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam lần đầu tiên tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tin tưởng, với quyết tâm mạnh mẽ, sức mạnh từ sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền, ghi dấu ấn trong năm 2024 và xa hơn, góp phần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư.