Nắng nóng đang kéo dài và ít có dấu hiệu hạ nhiệt. Trái đất đã lập kỷ lục về nhiệt độ cao trong 9 tháng qua và tháng 3 sắp trở thành tháng thứ 10, Washington Post thông tin.
Nóng chưa từng có được ghi nhận vào cuối tuần cuối cùng của tháng 3 ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới.
Nắng nóng cuối tuần lan rộng nhất ở châu Âu, với nhiều quốc gia lập kỷ lục nhiệt độ của đất nước trong tháng 3.
Đồng thời, thời tiết cũng nóng bất thường ở châu Á, một số vùng ở Trung Mỹ và Tây Phi.
Châu Âu đầu xuân nóng như mùa hè
Cuối tuần qua, ở Đông Âu có cảm giác giống mùa hè hơn đầu xuân, với nhiệt độ tăng vọt lên khoảng 21-27 độ C, cao hơn bình thường tới 1,6 độ C.
8 quốc gia châu Âu ghi nhận nhiệt độ kỷ lục quốc gia tháng 3:
Albania: 29,6 độ C ở Kucove.
Belarus: 27,2 độ C ở Lelchitsy.
Croatia: 29 độ C ở Osijek.
Estonia: 21,3 độ C ở Valga.
Latvia: 22,8 độ C ở Skulte.
Lithuania: 25,5 độ C ở Druskininkai.
Moldova: 29,7 độ C ở Singerei.
Ba Lan: 26,4 độ C ở Tarlów.
Nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao cũng được thiết lập ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina và Nga.
Nóng như giữa hè ở châu Á
Nhiệt độ giữa mùa hè bao trùm toàn bộ Nhật Bản ngay trong cuối tháng 3. Sayaka Mori – nhà khí tượng học của NHK World – thông tin: “Nhiệt độ như tháng 7 bao trùm Nhật Bản trong ngày 31.3. Có 70 địa điểm phá vỡ hoặc đạt mức nhiệt cao kỷ lục của tháng”.
Ngày 31.3, nhiệt độ lên tới 28,1 độ C ở Tokyo, cao hơn 3 độ C so với kỷ lục trước đó được ghi nhận theo dữ liệu từ năm 1876.
Nhiều thành phố khác ở hầu khắp đảo Honshu cũng lập kỷ lục nhiệt độ cao ngày 31.3, bao gồm Fuji, Nakamura, Narita, Tsukuba và Yokohama.
Các địa điểm khác ở châu Á cũng chứng kiến nắng nóng kéo dài hơn bao giờ hết.
Hong Kong (Trung Quốc) có ngày nóng nhất tháng 3 là ngày 24, nhiệt độ lên tới 31,5 độ C.
Phuket ở Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong bất kỳ tháng nào vào ngày 27.3, với mức nhiệt tăng vọt lên 39,2 độ C.
Nhiệt độ cao kỷ lục ở nhiều nơi khác
Nắng nóng kỷ lục cũng khép lại tháng 3 ở nhiều nơi tại Tây Phi, Trung Mỹ và một số địa điểm nhiệt đới trên thế giới.
Nhiệt độ lên tới 44 độ C ở La Fragua, Guatemala – mức cao nhất được ghi nhận ở Trung Mỹ.
Costa Rica nhiều lần có nhiệt độ cao kỷ lục, lên tới 41,5 độ C, trong khi các thành phố ở các quốc gia xung quanh cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Mới đây, Quần đảo Solomon ghi nhận một ngày tháng 3 nóng nhất với nhiệt độ lên tới 35,5 độ C.
Ngoài hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ cao, còn có nhiều kỷ lục về những đêm đặc biệt nóng bức.
Nắng nóng phù hợp mô hình dự báo
Nghiên cứu công bố tuần trước trên tạp chí Science Advances cho thấy, các đợt nắng nóng kéo dài hơn và bao phủ khoảng cách xa hơn.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết, có 45,1% khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, vượt qua năm 2023. Ngoài ra, có 99,9% khả năng năm 2024 sẽ ở trong nhóm 5 năm nóng nhất lịch sử.
Cho đến nay, nhiệt độ không khí và bề mặt nước biển toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức được quan sát vào cùng thời điểm năm trước.
Do El Nino được các nhà dự báo thời tiết nhận định sẽ giảm dần vào mùa hè, nên hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể giảm nhẹ trong những tháng tới.