Bloomberg đưa tin, Công ty dầu khí quốc gia Nam Phi PetroSA và ngân hàng Gazprombank của Nga đang tiến hành một nghiên cứu khả thi nhằm khôi phục hoạt động chuyển đổi khí đốt thành nhiên liệu lỏng (gas-to-liquid -GTL) tại một nhà máy ở Vịnh Mossel.
Người phát ngôn của PetroSA Nonny Mashika-Dennison cho biết, tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng khởi động lại hoạt động tại nhà máy ở Vịnh Mossel này đang được coi là một phần của đánh giá toàn diện.
Vào tháng 12 năm ngoái, PetroSA đã chọn Gazprombank Africa làm đối tác đầu tư ưu tiên cho dự án – một quyết định được Chính phủ Nam Phi thông qua bất chấp các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến lệnh trừng phạt của phương Tây.
Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga và là ngân hàng quan trọng trong thương mại năng lượng của Mátxcơva, đã trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ và các quốc gia phương Tây khác do cuộc xung đột Ukraina.
Nam Phi và Nga là thành viên của nhóm BRICS – nhóm bao gồm cả Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Trước áp lực từ Mỹ và các đồng minh sau xung đột Nga – Ukraina, Nam Phi đã chọn quan điểm trung lập. Tuy nhiên, sự không liên kết này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp nếu Nam Phi tham gia vào các thỏa thuận với bất kỳ thực thể nào của Nga bị trừng phạt.
Trước khi đạt được thỏa thuận với Gazprombank, các quan chức của PetroSA đã tham khảo ý kiến của các cố vấn pháp lý để giảm thiểu nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp. Tuy nhiên, quyền giám đốc điều hành PetroSA, Sesakho Magadla, tuyên bố rằng “những biện pháp trừng phạt này không áp dụng đối với Nam Phi”.
Dự án ước tính tiêu tốn khoảng 200 triệu USD.
Nhà máy ở Vịnh Mossel, có khả năng xử lý tới 45.000 thùng mỗi ngày, đã ngừng sản xuất vào năm 2020 do trữ lượng khí đốt ngoài khơi cạn kiệt và được bảo trì kể từ đó.
Sau khi đóng cửa hai nhà máy lọc dầu lớn nhất Nam Phi là Sapref và Enref, PetroSA mong muốn có một khoản đầu tư để khởi động lại hoạt động tại nhà máy ở Vịnh Mossel.