TASS đưa tin, FSB chỉ ra rằng, Cơ quan Quản lý Quân sự Liên Xô tại Đức được thành lập vào tháng 5.1945 để quản lý vùng chiếm đóng của mình, được chia thành 14 khu vực hoạt động. Khu vực Berlin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì liên quan đến việc theo dõi hành vi của quân đội Mỹ, Anh và Pháp ở đây.
Thiếu tướng Alexey Sidniev – người đứng đầu khu vực Berlin – đã báo cáo sự gia tăng tội ác của quân đội Mỹ đối với công dân Đức trong bản ghi nhớ ngày 9.11.1945 gửi cho Phó ủy viên Nội vụ Liên Xô Ivan Serov.
“Các vụ côn đồ, cướp bóc và bạo lực chống lại người Đức do quân đội Mỹ gây ra ngày càng gia tăng chứ không giảm. Đặc biệt, vào ngày 21.10.1945, hai công dân Đức – Friedrich Scholl từ 15, Schwerinstrasse và Karl Kricek từ 158, Potsdammerstrasse, đang đi làm về thì hai lính Mỹ từ Potsdammerstrasse đến gặp họ và xin họ cho châm thuốc lá. Sau đó, cả hai lính Mỹ vô cớ bắn hai người Đức, khiến Scholl bị thương ở ngực và Kricek bị thương ở bụng. Cả hai đều trong tình trạng nghiêm trọng và được đưa đến bệnh viện” – báo cáo viết.
Một sự cố khác xảy ra vào ngày 26.10.1945, khi hai chiếc xe tải chở từ 40 đến 50 lính Mỹ đến nhà hàng Femina ở khu phố Berlin-Schoneberg vào khoảng 9 giờ tối. Lính Mỹ đột nhập vào nhà hàng, chặn mọi lối ra và yêu cầu tất cả những người bên trong phải giao nộp đồ đạc có giá trị. Chỉ trong vòng 10 đến 15 phút, lính Mỹ đã lấy đồng hồ, nhẫn vàng và tiền từ người Đức, buộc phụ nữ phải nộp chiếc vòng cổ bằng lông thú rồi bỏ đi.
Báo cáo của Sidniev ngày 19.11.1945 nói rằng “sự phẫn nộ và cướp bóc chống lại cư dân Berlin do quân đồng minh gây ra đã gia tăng gần đây”. Đêm 27.9.1945, ba lính Pháp xuất hiện tại căn hộ ở ngoại ô Berlin của một người phụ nữ tên là Agnes. Họ cưỡng hiếp người phụ nữ và một cô gái khác đi cùng. Sau đó, chúng đã tịch thu 200 mác và một chiếc đồng hồ vàng của Agnes, đánh cô rồi bỏ đi.
Ngày 5.3.1946, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Winston Churchill đã có bài phát biểu về Bức màn sắt tại Fulton, Missouri, Mỹ, đánh dấu sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô. Khoảng hai tháng sau, cơ quan phản gián Nga ghi nhận sự gia tăng hoạt động tình báo của Mỹ, Anh và Pháp chống lại Liên Xô.
“Gần đây, các cơ quan tình báo nước ngoài của quân đồng minh đã tích cực cử điệp viên vào khu vực Liên Xô chiếm đóng” – người đứng đầu khu vực Berlin báo cáo với Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô ngày 8.5.1946.
Các cơ quan tình báo Anh và Mỹ giao nhiệm vụ cho hầu hết các điệp viên gặp gỡ các sĩ quan Liên Xô và thực hiện các hoạt động giám sát nhằm thu thập thông tin về việc triển khai các đơn vị quân đội, quy mô và vũ khí của họ, việc xây dựng các đường phân giới kiên cố, tâm trạng của người dân Đức và thái độ đối với Hồng quân, cũng như về các hoạt động của cơ quan quản lý quân sự Liên Xô.
Ngoài ra, các điệp viên còn được giao nhiệm vụ phát tán những tin đồn sai sự thật và mang tính khiêu khích chống lại chính quyền quân sự Liên Xô và Hồng quân.
Một số đặc vụ được cho là thâm nhập vào cơ quan phản gián của quân đội Liên Xô để tìm ra phương pháp của lực lượng này và tên của các đặc vụ.