Yêu cầu Gazprom không trả cổ tức được nêu trong văn bản của Chính phủ Nga công bố trên website chính phủ ngày 20.5.
Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ Nga với ông lớn khí đốt nước này được đưa ra trong bối cảnh Gazprom báo lỗ lần đầu kể từ năm 1999.
Reuters thông tin ngày 20.5, cổ phiếu của Gazprom tại Mátxcơva đã giảm 5,5% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10.10.2022 – ngay sau khi hoạt động xuất khẩu của tập đoàn bị ảnh hưởng bởi những vụ nổ bí ẩn làm vỡ 3 trong số 4 tuyến thuộc hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2 đưa khí đốt Nga qua biển Baltic tới Đức.
Tập đoàn có trụ sở tại St. Petersburg lỗ khoảng 7 tỉ USD trong năm 2023 do doanh số bán khí đốt sang châu Âu sụt giảm vì hậu quả chính trị nghiêm trọng của xung đột ở Ukraina.
Châu Âu là thị trường bán hàng lớn nhất của Gazprom trước năm 2022. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraina nổ ra khiến nguồn cung khí đốt của Gazprom cho thị trường này sụt giảm.
Nga cung cấp khoảng 63,8 tỉ mét khối khí đốt cho châu Âu thông qua nhiều tuyến đường khác nhau trong năm 2022.
Khối lượng xuất khẩu của Nga sang châu Âu tiếp tục giảm sâu 55,6% xuống 28,3 tỉ mét khối vào năm 2023, theo dữ liệu chính thức của Gazprom và các tính toán của Reuters.
Lượng khí đốt này thấp hơn rất nhiều so với lượng xuất khẩu của Gazprom trong thời kỳ cực thịnh. Năm 2018, Gazprom bơm sang EU và các quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, tới 200 tỉ mét khối khí đốt.
Foreign Policy nhận định, khoản lỗ khổng lồ của năm 2023 – lần lỗ đầu tiên kể từ năm 1999 – cho thấy quyết định khóa van khí đốt sang châu Âu của Nga năm 2022 đã phản tác dụng.
Cây viết Agathe Demarais của Foreign Policy lưu ý, tình hình không mấy lạc quan của Gazporm gióng lên hồi chuông cảnh báo với Nga.
Tác động tức thời nhất từ việc Gazprom thua lỗ là nguồn thu của Chính phủ Nga. Chưa tính cổ tức, Gazprom đã chuyển ít nhất 40 tỉ USD vào kho bạc nhà nước Nga năm 2022, vào ngân sách chung của chính phủ hoặc Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF), quỹ đầu tư quốc gia của Nga.
Trước năm ngoái, riêng Gazprom cung cấp khoảng 10% doanh thu ngân sách liên bang của Nga thông qua thuế hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế lợi nhuận. Năm 2023, đóng góp của Gazprom vào kho bạc nhà nước thông qua thuế hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt đã giảm 4/5.
Với Mátxcơva, đây là tin xấu trên nhiều phương diện. Do chi phí quân sự ngày càng tăng, cán cân tài chính của nước này rơi vào tình trạng thâm hụt. Để giảm thâm hụt, Điện Kremlin đã yêu cầu Gazprom đóng thuế 500 triệu USD hàng tháng cho nhà nước đến năm 2025.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thua lỗ, đóng góp của Gazprom có thể sẽ phải giảm xuống. Cuối cùng, những khó khăn của Gazprom có thể khiến công ty này thu hẹp các khoản đầu tư theo kế hoạch vào các mỏ khí đốt và đường ống dẫn khí – quyết định này sau đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Nga.
Foreign Policy cho hay, việc xem xét kỹ hơn các báo cáo tài chính mới được Gazprom công bố cho thấy điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy đến, với nhiều dấu hiệu cho thấy trong năm 2024, Gazprom có thể còn khó khăn hơn cả năm 2023.
Khoản lỗ của Gazprom trong quý I năm 2024 lớn gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tập đoàn này có thể báo lỗ trong năm nay còn lớn hơn nhiều so với năm 2023.