Lỡ hẹn với Bhutan từ trước đại dịch COVID-19, travel blogger Tâm Bùi (TPHCM) mới đây đã có 5 ngày khám phá đất nước hạnh phúc với rất nhiều địa điểm và trải nghiệm thú vị. Sau chuyến đi anh bộc bạch: “Cảm giác có nhiều mối duyên lành và tôi đã đến Bhutan bằng rất nhiều trải nghiệm mắt thấy tai nghe”.
Ấn tượng trên từng chặng đường
Phi công hạ cánh điêu luyện xuống sân bay Paro nằm lọt thỏm giữa những vách núi cao chót vót. Check-out và lấy hành lý xong, đón đoàn lên xe, anh hướng dẫn viên người Bhutan bảo mọi người mở kính xe cho mát vì không khí bên này trong lành lắm.
“Anh hướng dẫn viên nói: “Fresh air is free” Tạm dịch: Không khí trong lành miễn phí). Ấn tượng đầu tiên khi vừa bước chân tới Bhutan của Tâm Bùi là “Anh này cũng biết quảng cáo đất nước mình ghê”.
Hành trình Bhutan chỉ 5 ngày nhưng Tâm Bùi và những người bạn của anh đã đi qua hầu hết những điểm đến nổi bật của xứ sở rồng sấm. Và điểm ấn tượng nhất với anh chính là Tiger’s Nest – tu viện Phật giáo Mật Tông trên vách núi linh thiêng còn có tên là Hang Hổ hay Paro Taktsang. Để tới nơi du khách phải đi bộ hoặc ngựa từ chân núi lên độ cao khoảng 900m. Xem ảnh rất khó hình dung được sự vĩ đại của tu viện, chỉ có thể tận mắt chứng kiến. Dù nhìn từ xa hay đã tới gần tu viện đều toát lên vẻ đẹp linh thiêng và hoành tráng khó tả.
Nếu Tiger’s Nest là địa điểm để nghe là nhớ ngay Bhutan và ấn tượng sâu đậm nhất thì Punakha Dzong đứng thứ nhì. Trước đây Punakha là một pháo đài để binh lính phòng vệ chiến tranh (Dzong trong tiếng Bhutan nghĩa là pháo đài), tuy nhiên ngày nay nơi này là tu viện cho các sư thầy tu tập.
Anh chia sẻ: “Đây là một trong những pháo đài đẹp nhất Bhutan mà tôi tới. Cuối tháng 4 đầu tháng 5 đúng mùa hoa phượng tím, khuôn viên Punakha trồng nhiều cây lớn. Khi chúng tôi tới đây phượng tím nở rộ nên chụp ảnh đẹp miễn chê và khung cảnh nên thơ đáng nhớ vô cùng”.
“Thắng cảnh” đẹp nhất của Bhutan là con người
Nếu du khách muốn ngắm cảnh, Ladakh (Ấn Độ) hay Tây Tạng (Trung Quốc) có thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ hơn Bhutan nhiều. Còn để tìm hiểu phong cách sống đặc biệt giữa một thế giới vật chất đang quay cuồng như hiện nay, Bhutan chính là nơi chúng ta cần đến ít nhất một lần trong đời. Bởi “thắng cảnh” đẹp nhất Bhutan chính là con người, theo blogger Tâm Bùi.
Có đến 70% người dân nước này thực hành Phật giáo Mật tông Kim Cương thừa. Đa phần người dân Bhutan ăn chay và cấm giết mổ gia súc, nên nguồn thịt đa số nhập khẩu từ Ấn Độ.
Nói về con người Bhutan, Tâm Bùi kể: “Họ rất hiền lành, tôi đi ngoài đường, dọc phố xá không thấy bán hàng rong, người vô gia cư hay ăn xin. Người Bhutan không nói lớn tiếng, không gây ồn ào mà rất nhẹ nhàng, lịch sự lại nói tiếng Anh rất tốt dù là bán đồ ăn, hàng tạp hóa hay bán đồ lưu niệm”.
Một trải nghiệm khó quên làm anh thấy cảm kích chính là xe cộ ở Bhutan chủ động nhường đường cho người đi bộ. Đường sá dù ở thành phố lớn như Thủ đô Thimphu cũng không có đèn giao thông. Các bùng binh ngã 5, ngã 6 chỉ có một cảnh sát giao thông điều phối người đi lại. Một khi có người đứng gần vạch qua đường là xe cộ từ xa đã đi chậm và dừng chờ, nhường đường khiến du khách cảm giác rất an toàn.
Từ cỏ cây hoa lá cho đến những con vật hoang chạy ngoài đường như chó, mèo thì người Bhutan đều trân trọng và mong muốn bảo vệ. Ngay trong các con đường ở thành phố Thimphu cho tới đường đi leo núi lên Tiger’s Nest, Tâm Bùi thấy rất nhiều chó hoang nhưng chúng không sợ, không tấn công người lạ trái lại rất hiền lành và nằm ngủ khắp nơi.
Sau hành trình 5 ngày ngắn ngủi mặc dù chưa thể trả lời được câu hỏi: “Bhutan có thực sự là đất nước hạnh phúc không?”, Tâm Bùi nhận thấy trong khi các quốc gia khác đề cao sự phát triển, xây dựng nhiều hơn thì Bhutan chọn cho mình lối sống biết đủ và nhu cầu vừa phải về tiện nghi vật chất. Du khách đến đây luôn có thể cảm nhận được sự an toàn, dễ chịu từ cảnh đến người.