Ngành logistics lạc quan năm 2025 dù lo kinh tế toàn cầu tăng chậm

Xuất khẩu Việt Nam 10 tháng năm 2024 tăng trưởng 14,9%, đạt 335,6 tỉ USD sau giai đoạn sụt giảm trong năm 2023. Những ngành hàng chủ lực như điện tử, dệt may, và nông sản tiếp tục dẫn đầu với đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu kéo ngành logistics

Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam, đã gần cán mốc 100 tỉ USD trong 10 tháng qua, xuất siêu đạt hơn 86 tỉ USD, tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được lý giải nhờ sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự phục hồi xuất khẩu kéo theo sự tăng trưởng tích cực trong ngành logistics. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% trong 10 tháng năm 2024, đạt trên 570 triệu tấn.

Trong đó, hàng khô và container chiếm tỉ trọng lớn, với sản lượng xử lý lần lượt đạt hơn 321 triệu và 191 triệu tấn. Ngoài ra, sự mở rộng của các khu công nghiệp, vốn đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics.

Theo CBRE, tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình đạt 81% ở miền Bắc và 92% ở miền Nam vào cuối tháng 6-2024. Con số trên được kỳ vọng khả quan hơn nữa nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh, với tổng vốn đăng ký đạt trên 27,26 tỉ USD trong 10 tháng năm 2024.

Theo khảo sát doanh nghiệp logistics của Vietnam Report, biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp logistics trong năm 2024 thể hiện sự phục hồi rõ rệt của ngành.

Năm 2024, có tới 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng, trong đó có 58,8% tăng lên đáng kể, và số giảm đã giảm từ 66,7% xuống còn 5,9%. Dữ liệu này phản ánh tác động tích cực từ sự phục hồi xuất khẩu, đầu tư vào công nghệ logistics và chính sách hỗ trợ hiệu quả, khẳng định ngành logistics đang dần lấy lại đà tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025, tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024. 

Ở góc nhìn chung về toàn ngành logistics, với 29,4% nhận định khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều. 

Đối với các doanh nghiệp, có 64,7% nhận định tình hình sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% đánh giá rất khả quan.

Chỉ 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành. Điều này phản ánh niềm tin không chỉ vào cải thiện nội tại của doanh nghiệp mà còn từ sự hỗ trợ của chính sách chính phủ và xu hướng tăng trưởng thương mại quốc tế.

Kỳ vọng vào năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, ngành logistics đang tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ để củng cố vai trò huyết mạch trong nền kinh tế.

Vẫn còn những lo lắng

Tình trạng bất ổn chính trị trên thế giới được 82,4% doanh nghiệp logistics đánh giá là trở ngại lớn nhất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các xung đột địa chính trị, như chiến tranh Nga – Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, hay chính sách bảo hộ kinh tế từ các nền kinh tế lớn, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy thương mại và vận tải hàng hóa quốc tế.

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt kinh tế, đóng cửa cảng biển tại khu vực xung đột và sự bất ổn của tỉ giá hối đoái làm tăng chi phí hoạt động cho doanh nghiệp logistics. Những biến động này không chỉ làm giảm hiệu quả vận hành mà còn kéo dài thời gian giao hàng, ảnh hưởng đến độ tin cậy của các chuỗi cung ứng.

Năm 2024 cũng chứng kiến sự chuyển giao nhà lãnh đạo tại nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là sau kết quả bầu cử tại Mỹ, toàn thế giới đang chờ đợi và hy vọng những lệnh đình chiến được thiết lập. 

Ở chiều ngược lại, chiến tranh thương mại có thể leo thang hơn nữa trước những chính sách được cho là Nhà Trắng sẽ áp dụng.

Khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp bày tỏ mối quan ngại về kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Có đến 58,8% doanh nghiệp xem đây là rào cản đáng kể, gây giảm cầu về vận tải hàng hóa. Tăng trưởng GDP toàn cầu giảm sút kéo theo khối lượng giao dịch thương mại co hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của ngành.

Trong báo cáo tháng 10-2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tương đối phẳng – giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hằng năm.

NHƯ BÌNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *