“Quái xế nhí” gia tăng
Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nói riêng và lực lượng Công an nói chung ở nhiều tỉnh, thành đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều nhóm đối tượng có hành vi đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, CSGT TPHCM đã ngăn chặn gần 100 phương tiện đua trái phép đúng ngày mùng 1 Tết, trong đó đã bắt được 21 phương tiện, 33 đối tượng để điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật.
Tại Hà Nội, Công an thành phố cũng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ thanh thiếu niên đua xe trái phép. Có thời điểm, lực lượng chức năng liên tiếp xử lý hai đoàn “bão khủng” chỉ trong một đêm.
Không chỉ diễn ra ở thành phố, tình trạng “quái xế” đang tuổi vị thành niên tụ tập, phóng nhanh, lạng lách, bốc đầu xe cũng diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các vụ việc mà cơ quan công an xử lý, hầu hết đều xảy ra ở các tuyến đường trung tâm, vào buổi tối muộn hoặc đêm khuya đến rạng sáng, vì đây là khoảng thời gian dễ thực hiện hành vi vi phạm.
Vào cuối tuần hay các dịp lễ, Tết, nhiều thanh thiếu niên đã thành lập hội nhóm trên mạng xã hội, bí mật liên kết các hội nhóm với nhau để rủ nhau đua xe trái phép. Các nhóm này hoạt động ngày càng tinh vi, kín đáo khiến lực lượng chức năng khó phát hiện.
Để tránh bị cơ quan chức năng xử lý, nhiều trường hợp che BKS bằng cách sử dụng khẩu trang, hình dán sticker. Đồng thời, bố trí người phụ trách canh chừng CSGT, chặn đường và người đi theo cổ vũ… để các “quái xế” so kè tốc độ trên đường.

Điều đáng lo là tình trạng “quái xế nhí” từ 14-18 tuổi có xu hướng ngày càng gia tăng. Phần lớn các đối tượng chưa có giấy phép lái xe nhưng đã “đầu trần” kẹp ba, kẹp bốn, sử dụng xe độ chế, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe, đua tốc độ…
Tăng cường quản lý, giáo dục thanh thiếu niên
Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học cho biết, đua xe đang được coi như thú tiêu khiển đầy nguy hiểm của giới trẻ.
Các trường hợp đua xe thường là các đối tượng trẻ – độ tuổi có tâm lý hiếu động, giàu năng lượng, muốn làm việc chứng tỏ bản lĩnh của bản thân, muốn thể hiện mình trước mắt người khác.
Qua theo dõi, các đối tượng tham gia đua xe trái phép phần lớn thuộc các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Do đó, các gia đình cũng cần quan tâm, có biện pháp quản lý con em mình tốt hơn.
“Việc các gia đình giao xe cho các con khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX, con chỉ 12-14 tuổi mà đêm khuya khoắt vẫn chưa về nhà, là có phần trách nhiệm của cha mẹ”, TS. Hiếu phân tích.
Với lực lượng chức năng, ông Hiếu cho rằng, cần tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm để cảnh báo, răn đe, tạo thành ý thức xã hội rằng đua xe là xấu, vi phạm pháp luật, không nên – không dám và không muốn đua xe, không thể đua xe.


Một cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi đua xe trái phép không những gây nguy hiểm cho những người đi đường mà còn gây nguy hiểm cho chính các đối tượng tham gia đua xe.
Với sự liều lĩnh, manh động, những “quái xế” tuổi teen này sẵn sàng chống trả khi bị ngăn cản, gây nguy hiểm cho các chiến sĩ thực thi công vụ, khiến tổ công tác phải lựa tình huống áp chế.
Theo vị cán bộ, bên cạnh việc xử lý của lực lượng chức năng, cần có sự phối hợp giữa quyền địa phương và những gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên trong công tác quản lý, giáo dục, không giao xe cho các cháu tham gia giao thông.
“Chúng ta phải tăng cường truyền thông thay đổi hành vi của thanh thiếu niên để họ nâng cao nhận thức về các nguy cơ tai nạn cùng các hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi tổ chức và tham gia đua xe trái phép”, vị cán bộ nói.