
Giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.298,31 USD/ounce vào lúc 9h sáng 1.5, theo USA Today. Con số này tăng 11,23% so với đầu năm. Giá giao dịch thấp nhất trong 24 giờ trước đó là 2.281,74 USD/ounce. Giá vàng giao ngay cao nhất trong 24 giờ trước đó là 2.310,77 USD/ounce.
Euro News chỉ ra, bất ổn địa chính trị tăng, đặc biệt ở Trung Đông, Ukraina khiến các nhà đầu tư đổ xô vào mua vàng.
Vàng cũng nhận được sự thúc đẩy đáng kể từ chính sách lãi suất các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu…
Những yếu tố cơ bản tác động đến giá vàng
Piero Cingari – cây viết tại hãng tin kinh tế, tài chính Benzinga của Mỹ – nhận định, bất chấp những lo ngại về số liệu lạm phát cao hơn dự kiến thời gian gần đây, FED vẫn cam kết thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng đưa ra những nhận xét khá ôn hòa trong tháng 4, củng cố kỳ vọng của thị trường về đợt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 6.2024.
Trong khi đó, tại châu Âu, không có thành viên nào của ngân hàng Anh bỏ phiếu ủng hộ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3, trái ngược với những cuộc họp trước đó. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey thừa nhận, những dự đoán của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay có vẻ đúng.
Trao đổi về quỹ đạo tăng giá kỷ lục của vàng, Giám đốc đầu tư Russ Mold tại AJ Bell chỉ ra, điều này có thể là do lạm phát tại Mỹ đang khá dai dẳng khi nền kinh tế Mỹ nóng hơn dự kiến, hoặc do các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng để đa dạng và thúc đẩy chất lượng của nguồn dự trữ. Quỹ đạo tăng giá vàng cũng có thể do các nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn thay thế trong bối cảnh giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.
Chuyên gia Russ Mold nói thêm, sự khác biệt giữa giá vàng và giá trái phiếu Chính phủ Mỹ cho thấy, thị trường hàng hóa và trái phiếu đang bắt đầu định giá theo tỉ lệ lạm phát trong thời gian dài hơn. Đây không phải là tín hiệu tốt với thị trường chứng khoán vốn có xu hướng ưa thích “hạ nhiệt” lạm phát, nền kinh tế “hạ cánh mềm” và các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.
Theo ông, những diễn biến này có thể khiến các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô mua vàng.
Vai trò của Trung Quốc
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 trong số những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất, đặc biệt là trang sức bằng vàng. Năm 2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua khoảng 225 tấn vàng, nâng tổng dự trữ lên tới 2.235 tấn.
Mặt khác, nhu cầu vàng trang sức ở Ấn Độ lên tới khoảng 562,3 tấn vào năm 2023, theo Hội đồng Vàng Thế giới.
Ross Norman – Giám đốc điều hành của MetalsDaily – cho biết, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn “vàng đại diện cho một trong số ít các khoản đầu tư được xem là đáng tin cậy và hiệu quả”.
“Vào tháng 1.2024, có 271 tấn vàng được rút ra khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, nơi được coi là đại diện cho nhu cầu địa phương. Chúng tôi cũng nghe được rằng, các công ty chứng khoán đã vận chuyển vàng trên mức trung bình từ phương Tây sang phương Đông. Nhưng một lần nữa, động thái này cũng không đủ để giải thích cách thức và mức độ của đợt tăng giá vàng” – Giám đốc điều hành của MetalsDaily chia sẻ.
Tuy nhiên, ông lưu ý thêm, nhu cầu vàng của Trung Quốc không được rõ ràng, thông tin cũng không chính thống. Một số điểm nhập khẩu vàng được giám sát tốt, đặc biệt là Hong Kong (Trung Quốc), nhưng các tuyến khác thì kém hơn.