Lợi thế khi trồng lúa ở Việt Nam là có thể thu hoạch 2 đến 3 vụ lúa trong 1 năm. Nhưng điểm hạn chế là thời tiết ở miền Bắc Việt Nam vào mùa hè rất nóng nên Hanyu cho rằng, phải thử nghiệm nhiều giống lúa khác nhau để tìm ra giống lúa phù hợp nhất.
Để công việc trồng lúa trên vùng đất mới được hiệu quả, hàng tháng, Sosuke Hanyu đều đưa kỹ sư hàng đầu của Nhật Bản đến Việt Nam để quan sát thực tế tại đồng ruộng. Hàng ngày, kĩ sư nông nghiệp tại địa phương cũng trao đổi tình hình qua mạng xã hội… để kịp thời xử lý, đưa ra lời khuyên nhanh chóng về các vấn đề như sâu bệnh, thời tiết…
Hanyu cho biết, mặc dù không phải lúc nào cũng ở Việt Nam, nhưng anh cùng các nông dân Thái Bình đang phối hợp làm việc rất tốt và không có rào cản nào.
Sau một vài vụ thu hoạch, Hanyu cho hay, các giống lúa anh mang sang chưa thực sự phù hợp với thổ nhưỡng ở Việt Nam nên sản lượng thu hoạch chưa đủ lớn và chất lượng cũng chưa được như kỳ vọng. Một điểm ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo là Việt Nam thường chỉ bảo quản thóc ở nhiệt độ thường, trong khi ở Nhật Bản, thóc luôn được bảo quản ở kho lạnh, giúp thóc gạo giữ được độ tươi mới. Tuy nhiên, anh phần nào cảm thấy hài lòng khi năm ngoái, anh thử nghiệm trồng lúa chỉ với 2ha thì nay diện tích vùng trồng của công ty T.H.A đã nâng lên 150ha.
Mới đây, Sosuke Hanyu đã đưa gạo trồng ở Việt Nam trở về Nhật để thử sản xuất rượu sake. Nhật Bản có rất nhiều loại gạo khác nhau và những tiêu chuẩn để phục vụ sản xuất sake vô cùng nghiêm ngặt. Gạo làm sake nhiều tinh bột hơn, ít chất béo hơn, ít đạm hơn so với gạo ăn thông thường. Nếu thành công, anh dự định sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất sake ở Việt Nam.