Cơ duyên với món cà phê dừa
Chia sẻ với Báo Lao Động, chị Nhiên cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học về làm nhân viên cho một ngân hàng với thu nhập trên dưới chục triệu đồng/tháng. Công việc của chị cũng ổn định, song, do có con nhỏ cùng với mong muốn có cuộc sống yên bình nơi vùng quê, chị Nhiên đã quyết định từ bỏ công việc ở phòng máy lạnh để mưu sinh bằng nghề mua bán nước mát tại quê nhà.
“Nhà tôi có vườn cây ăn trái nên tôi nghỉ việc để cùng phụ gia đình coi sóc, vừa có thể tranh thủ bán một số loại nước mát cho học sinh, người đi đường để kiếm thêm thu nhập.
Khi nấu các loại nước, tôi cũng kết hợp nhiều nguyên liệu để các loại nước có hương vị thơm ngon riêng để khách ưa dùng. Riêng về món cà phê dừa, trong những lần tôi rang cơm dừa thấy có mùi thơm cuốn hút, tôi chợt nghĩ, nếu kết hợp cùng cà phê rang truyền thống sẽ thơm ngon.
Vì vậy, tôi đã thử làm và quả nhiên, thức uống này khá hấp dẫn, dễ uống và dễ ghiền. Sau thời gian tôi làm uống và gửi tặng người quen dùng thử thì ai cũng khen ngon và mọi người khuyên tôi nên chế biến sản phẩm cà phê dừa để bán cho người được thưởng thức. Từ đó, tôi sản xuất và phát triển dần cho đến nay”, chị Nhiên chia sẻ.
Từ chia sẻ công thức đến phát triển sản phẩm
Chị Nhiên chia sẻ, sau những lần kết hợp thành công, được nhiều người khen cà phê dừa thơm ngon, nên chị lên các trang mạng xã hội để chia sẻ cách làm đến mọi người. Nhờ đó, nhiều người cũng đã tự chế biến được món này.
Tuy nhiên, việc rang cà phê và rang cơm dừa khá mất thời gian và vất vả khi phải ngồi hàng giờ đồng hồ bên bếp lửa, nên nhiều người nhắn bảo chị Nhiên làm làm bán để mọi người khỏi phải tự chế biến. Vậy là từ đầu tháng 9.2022, chị bắt đầu chế biến và kinh doanh món cà phê dừa.
Hiện tại, cơ sở của chị có từ 5 đến 7 người làm, thu nhập trên dưới 200.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi ngày, chị Nhiên bán được trên dưới 100 đơn hàng. Giá bán cà phê dừa 100.000 đồng/gói 500 gram. Thu nhập mỗi tháng mang về khoảng 30 triệu đồng giúp gia đình ổn định cuộc sống.
“Cà phê dừa không phải là món mới trong menu thức uống, bởi, trên thị trường đã có món này khá lâu. Chính vì vậy, khi phát triển sản phẩm tôi cũng khá áp lực.
Tuy nhiên, với quyết tâm cùng với suy nghĩ tích cực, sản phẩm của mình làm thủ công, quy trình sản xuất sạch, lại không chất phụ gia, chất bảo quản,… chính là yếu tố mang lại sự cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho người sử dụng thì sẽ phát triển ổn định.
Nếu như trên thị trường có cà phê kết hợp với nước cốt dừa thì chỗ của tôi tôi chọn chế biến cơm dừa rang khô kết hợp với cà phê tự rang rồi xay nhuyễn, trộn theo tỷ lệ phù hợp sẽ mang đến hương vị béo ngọt, thơm ngon riêng của nó”.
“Chúng tôi đánh giá cao sự sáng tạo và tâm huyết của chị Nhiên đối với sản phẩm cà phê dừa. Tuy cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, nhưng cũng góp phần giải quyết việc làm cho từ 5 đến 7 lao động tại địa phương. Không chỉ vậy, cơ sở của chị còn góp phần tiêu thụ dừa khô của hội viên phụ nữ với mức giá ổn định.
Thời gian tới, nếu cần, Hội LHPN huyện sẽ hỗ trợ để cơ sở phát triển quy mô để tạo việc làm, thu nhập cho hội viên phụ nữ địa phương”, bà Lê Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành A (Hậu Giang) chia sẻ thêm.