Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đến nay Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam nói chung và mọi thành viên thị trường nói riêng đều cần phải tuân thủ theo các yêu cầu mới khắt khe hơn liên quan tới yếu tố ESG.
Phát biểu tại Hội thảo Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững – Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 do Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt Đức, NatureWorld tổ chức ngày 5.6, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết tất cả những hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đều bao gồm những nội dung liên quan tới phát triển bền vững.
Những quy định này bắt buộc tất cả các nước, từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng người dân đều phải hướng tới mô hình chuyển đổi xanh và sống xanh. Trong thời gian qua ở châu Âu, tháng 1.2023 đã chính thức yêu cầu tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều phải có báo cáo phát triển bền vững ESG, có hiệu lực từ tháng 6.2024.
Nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo phát triển bền vững thì sẽ không có khả năng tiếp tục giao thương và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Các nước phát triển là thị trường chính của Việt Nam, trong khi đó các công ty đa quốc gia và các nước phát triển sẵn sàng hi sinh thị phần 1% của Việt Nam để bảo vệ cái báo cáo phát triển bền vững của họ. Vì vậy các doanh nghiệp ở Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ phải làm quen dần với các báo cáo phát triển bền vững.
“Theo Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 06 đã có quy định hơn 1.900 doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải và hoàn thành trước tháng 3.2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10% doanh nghiệp sẵn sàng cho việc thực hiện báo cáo phát thải. Báo cáo phát thải này đã trở thành bắt buộc đối với các công ty niêm yết và đối với các công ty giao dịch thương mại và đầu tư với các công ty niêm yết.
Việc thực hiện công tác kiểm kê, báo cáo và xác nhận khí nhà kính đòi hỏi phải thực hiện ngay từ khi tiền dự án, triển khai dự án và kết thúc dự án. Quá trình này thường kéo dài ba năm, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa sẵn sàng thực hiện điều này” – PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Hoài Trung – Trưởng ban vận động Net To Zero 2025 cho rằng để không bị chậm chân trong cuộc chơi NetZero, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhập cuộc và có những hành động thực tế. Tuy nhiên, phát triển bền vững không phải câu chuyện một sớm một chiều mà là chặng đường dài.
“Để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần thực hiện theo từng lộ trình cụ thể. Phân tích xác định bối cảnh, đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp chuyển đổi phát triển bền vững, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng, mở rộng nhà sản xuất” – ông Trung khẳng định.
Tại buổi hội thảo, các khách mời đại diện các cơ quan Nhà nước, nhà hoạch định chính sách, đại diện tổ chức tín dụng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã đưa ra nhiều ý kiến, mô hình để có giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.