Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường nhượng quyền thương hiệu ngành F&B ở Việt Nam nay?
– Thị trường quyền thương hiệu ngành F&B ở Việt Nam hiện nay rất tiềm năng, giúp cả doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền kinh doanh phát triển. Những năm gần đây, nhiều ông lớn trong ngành F&B của thế giới đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Không chỉ là sân chơi cho các doanh nghiệp nước ngoài mà không ít các doanh nghiệp F&B Việt Nam cũng đang xây dựng các thương hiệu nhượng quyền của riêng mình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều vụ việc hợp tác đã xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền kinh doanh. Điều này đã tạo ra hình ảnh xấu khiến nhiều người chưa thực sự hiểu về nhượng quyền thương hiệu.
Hiện nay thị trường nhượng quyền thương hiệu F&B đang gặp phải những vấn đề tiêu cực và rủi ro nào, thưa ông?
– Hiện nay, không ít mô hình kinh doanh F&B được thành lập chỉ để nhượng quyền. Nhiều bên bán mặc dù chưa đủ điều kiện, nhưng đã rao bán nhượng quyền. Vì vậy dẫn đến tình trạng nhượng quyền xong rồi “đem con bỏ chợ”. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư đặt bút ký, nhưng không rõ liệu thương hiệu đã đủ điều kiện để nhượng quyền hay chưa. Thậm chí, do quá tin tưởng, các chủ đầu tư này dựa hoàn toàn vào đối tác mà không chịu tìm hiểu về mô hình vận hành. Điều này dẫn đến sự thất bại trong kinh doanh, do mô hình không phù hợp để phát triển lâu dài.
Chính vì vậy, trong hợp đồng cần ghi rõ về quyền và nghĩa vụ của cả hai bên. Sự trao đổi của cả hai sẽ dựa trên văn bản, không nói miệng. Cả hai bên cần nắm rõ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ, các vận hành kinh doanh được ký kết trong hợp đồng thì mới có thể hợp tác và phát triển hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư nhận nhượng quyền có thể hoàn vốn chỉ trong vòng vài tháng mua nhượng quyền. Điều này rất khả thi nhưng cần có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng về thương hiệu nhượng quyền, tính thời điểm, khả thi tại khu vực cùng các vấn đề luật pháp xoay quanh.
Một rủi ro nữa của nhượng quyền thương hiệu chính là tính cạnh tranh. Nhiều nhà đầu tư hiện nay đơn giản nhìn thấy một cửa hàng đông khách là quyết định mua nhượng quyền. Tuy nhiên, những tiềm năng đó cũng được nhiều người khác chú ý và đầu tư. Hàng loạt cửa hàng cùng thương hiệu mọc lên như nấm. Khi ấy, mức độ cạnh tranh rất căng thẳng, chưa kể đến áp lực từ những cửa hàng của thương hiệu khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các thương hiệu nhượng quyền đều gây ra sự cạnh tranh giữa các đối tác. Chỉ một số thương hiệu bán nhượng quyền tràn lan mà không có quy định về khoảng cách giữa các cửa hàng thì có thể dẫn đến tình trạng mật độ giữa các quán trở nên quá dày.
Theo ông để thị trường nhượng quyền thương hiệu phát triển bền vững, doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền kinh doanh cần phải làm gì?
– Doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền kinh doanh phải hiểu rõ vai trò để làm tốt phần việc của mình cũng như luôn hỗ trợ nhau. Doanh nghiệp nhượng quyền cần hiểu mình đang mang đến cho các chủ đầu tư một giải pháp kinh doanh chứ không phải coi chủ đầu tư là nguồn tiền để tận thu và thao túng.
Đối với người mua nhượng quyền, cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình muốn nhận nhượng quyền. Thứ nhất, cần tìm hiểu phẩm chất và sự uy tín của thương hiệu. Thứ hai, nghiên cứ về tính khả thi các sản phẩm và dịch vụ của bên nhượng quyền. Cuối cùng, người mua nhượng quyền cần đảm bảo thương hiệu mình sắp đầu tư có lợi nhuận ổn định, không mang tính mùa vụ, và hệ thống kinh doanh đảm bảo pháp lý, quy trình rõ ràng. Người mua nhượng quyền cần tìm hiểu kỹ các yếu tố trên để tránh đầu tư theo xu hướng hoặc hiệu ứng đám đông.