Theo bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM, một doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển ổn định phải có sự đóng góp của rất nhiều nguồn lực khác nhau như tài chính, vật chất, công nghệ… Nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của một tổ chức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự đầu tư cho hoạt động này.
“Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, hầu hết doanh nghiệp đầu tư rất nhiều kinh phí cho công nghệ, áp dụng quản lý bằng hệ thống, phần mềm, nhưng theo tôi cho dù một ngày nào đó robot sẽ thống trị mọi thứ, công nghệ dù có tiên tiến phát triển đến đâu thì trí óc con người vẫn là điều tuyệt vời mà không cỗ máy nào có thể thay thế được.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chúng ta khi xây dựng chiến lược phát triển cho tương lai đa phần chuẩn bị về yếu tố thị trường, khách hàng, xây dựng cơ sở vật chất… nhưng con người chưa được chuẩn bị đầu tư một cách tương xứng” – bà Lâm chia sẻ.
Kiến trúc sư Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM – cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy và xây dựng hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập với nền kinh tế thế giới cần có sự khác biệt dựa vào bản sắc văn hóa của dân tộc.
“Các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần có tư duy phát triển ra toàn cầu và nắm bắt khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của Việt Nam như tài nguyên, nhân lực và khả năng thích ứng cao, nhanh nhạy của doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cần có sự đồng thuận, ủng hộ và hợp tác từ mọi phía để tập hợp tối đa các nguồn lực cho một khát vọng của cả dân tộc, đưa giá trị thương hiệu Việt Nam có chỗ đứng trong bản đồ kinh tế thế giới” – kiến trúc sư Lê Viết Hải nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp đột phá và bền vững để doanh nghiệp thành phố được đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ, góp sức để TPHCM luôn giữ được vị trí đầu tàu kinh tế cả nước và trở thành đầu tàu phát triển bền vững trong khối RCEP, thạc sĩ Kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, TPHCM cần phải lập bộ hồ sơ năng lực kinh tế và doanh nghiệp thành phố trong 30 năm qua và 20 năm tới để chào mời đối tác trong và ngoài nước cùng hợp tác đầu tư, cùng phát triển vững bền.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc quy hoạch lại hệ thống trường đại học ứng dụng chất lượng cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển của mạng lưới giáo dục đại học toàn quốc và quốc tế – mở thêm một số ngành đào tạo mới, ít nhất là 3 ngành: Ngoại giao FTA, con người FTA, chuyên gia FTA phục vụ cho hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài thành phố.
Và cuối cùng là cần phải thành lập những Trung tâm chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp như: Trung tâm ngoại giao và hợp tác quốc tế; Trung tâm thông tin tổng hợp dữ liệu lớn và xử lý thông tin thông minh toàn thành phố (big data & AI); Trung tâm dự báo và xử lý rủi ro; Trung tâm phản ứng nhanh về những ách tắc của doanh nghiệp….