Thống kê từ báo cáo tài chính quý 3 năm nay của một số ngân hàng có thuyết minh chi tiết các khoản thu từ hoạt động dịch vụ, nhiều nơi báo tăng trưởng tốt trở lại ở mảng bảo hiểm.
Tỉ suất lợi nhuận thuần từ lãi vay thu hẹp
Theo nhóm phân tích dữ liệu Fiingroup, lợi nhuận sau thuế 27/27 ngân hàng niêm yết vượt 56.000 tỉ đồng quý 3 năm nay, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng cần lưu ý, tốc độ tăng trưởng này đã thấp hơn mức tăng 21,6% quý trước đó. Chất lượng tăng trưởng lợi nhuận đang kém đi trong bối cảnh NIM (tỉ suất lợi nhuận lãi thuần) thu hẹp trên diện rộng.
Chuyên gia Fiingroup cho rằng đây là kết quả kinh doanh kém hơn kỳ vọng ở ngành ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại và mảng kinh doanh phi tín dụng kém đi, khiến thu nhập từ lãi và ngoài lãi giảm lần lượt 2,1% và 14,2% so với quý liền trước.
NIM toàn ngành theo thống kê đã giảm về 3,3% trong quý 3-2024, tương đương mức đáy giai đoạn hậu Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu được nhóm chuyên gia phân tích chỉ ra do chi phí huy động vốn tăng trở lại khi mặt bằng lãi suất huy động cao hơn.
Dữ liệu: Fiingroup
Ghi nhận thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trở lại trong khi lãi vay vẫn khá ổn định nhằm thu hút khách vay. Đặc biệt từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều ngân hàng nhỏ dồn dập tăng lãi suất, kỳ hạn 12 tháng dao động khoảng 5,7 – 5,9%/năm.
Ngoài ra, đơn vị dữ liệu cũng cho biết tỉ suất sinh lợi của tài sản tiếp đà giảm khi lãi suất cho vay tiếp tục đi ngang trong bối cảnh Chính phủ chủ trương ổn định lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Chuyên gia Fiingroup dự báo, các ngân hàng đang đối mặt với rủi ro NIM tiếp tục giảm trong thời gian tới bởi chi phí tín dụng có thể tăng lên do áp lực nợ xấu gia tăng khi thông tư 02 về cơ cấu nợ hết hiệu lực (dự kiến là 31-12-2024).
Nhiều ngân hàng tăng mạnh mảng bảo hiểm
Trong cơ cấu nguồn thu từ dịch vụ, nhiều ngân hàng ghi nhận sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ở một ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3-2024 có thuyết minh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nhiều nơi ghi nhận tăng trưởng hai chữ số ở mảng bảo hiểm.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý 3-2024 cho thấy thu từ phí dịch vụ bảo hiểm mang về cho Techcombank 594 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Cả năm ngoái, doanh thu hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt 667 tỉ đồng, giảm gần 62% so với năm 2022 sau khi thị trường xuất hiện khủng hoảng niềm tin với ngành bảo hiểm.
Mới đây, Techcombank và Manulife Việt Nam đã công bố quyết định ngừng mối quan hệ đối tác độc quyền kể từ ngày 14-10-2024. Sau đó ngân hàng này góp vốn thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng cao với mảng bảo hiểm, là KienlongBank. Thể hiện trên báo cáo tài chính quý 3 năm nay, thu từ bảo hiểm mang về cho KienlongBank gần 40 tỉ đồng, tăng gần 73% cùng kỳ.
Năm ngoái, thu từ bảo hiểm của KienlongBank đạt 36,3 tỉ đồng, “bốc hơi” 44% so với năm 2022 trong bối cảnh khó khăn chung.
Tương tự, VPBank cũng có sự phục hồi đáng kể ở mảng bán chéo bảo hiểm. 9 tháng đầu năm nay, thu từ bảo hiểm mang cho VPBank 2.820 tỉ đồng, tăng gần 52%.
Năm 2023, VPBank cũng “thấm” khó khăn chung khi thu từ bảo hiểm chỉ mang về 2.937 tỉ đồng, giảm gần 13% so với năm 2022.
Trong khi đó, bảo hiểm được ví như “gà đẻ trứng gà” với nhiều ngân hàng. Đơn cử như năm 2022, thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 3.353 tỉ đồng, trong khi chi cho dịch vụ bảo hiểm chỉ 57 tỉ đồng.
Còn tại SeABank, theo báo cáo tài chính quý 3 năm nay, thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm mang về hơn 87 tỉ đồng, tăng hơn 14% cùng kỳ năm ngoái.