Anh
Cuộc thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày lớn nhất thế giới ở Anh đã kết thúc với việc hầu hết các công ty tham gia thử nghiệm đều đưa ra chính sách này vĩnh viễn – tờ Telegraph đưa tin.
Trong số 61 tổ chức tham gia thí điểm kéo dài 6 tháng ở Vương quốc Anh vào năm 2022, có 54 tổ chức (89%) vẫn áp dụng chính sách này 1 năm sau đó và 31 tổ chức (51%) đã thực hiện thay đổi vĩnh viễn.
Báo cáo do Giáo sư Juliet Schor, Đại học Boston thực hiện, cho thấy 55% các nhà quản lý dự án và CEO cho biết tuần làm việc 4 ngày – trong đó nhân viên làm việc 100% công suất trong 80% thời gian – có tác động tích cực.
82% ghi nhận những tác động tích cực đến phúc lợi của nhân viên, 50% cho rằng, nó làm giảm tỉ lệ luân chuyển nhân viên, trong khi 32% cho biết nó cải thiện việc tuyển dụng. 46% cho biết công việc và năng suất được cải thiện.
Giáo sư xã hội học Juliet Schor nhận định, kết quả cho thấy những tác động thực sự và lâu dài. “Sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn đáng kể” – bà nói.
Nhưng Matthew Percival, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh, cho biết, tuần làm việc 4 ngày không phải là “câu trả lời chung cho tất cả” và sẽ “không có khả năng tự chi trả trong nhiều ngành”.
Nhật Bản
Tờ Mainichi đưa tin, nhân viên khu vực công ở tỉnh Chiba trong năm nay sẽ có tuần làm việc 4 ngày mà không bị thay đổi về lương hoặc giờ làm việc. Dự luật sửa đổi sắc lệnh về giờ làm việc của công chức cấp tỉnh sẽ được đệ trình tại phiên họp thường kỳ của hội đồng tỉnh trong tháng 2 với mục tiêu triển khai hệ thống mới vào tháng 6.
Bỉ
Bỉ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện tuần làm việc 4 ngày. Vào tháng 2.2022, nhân viên Bỉ đã giành được quyền làm việc 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày như thường lệ mà không bị mất lương.
Luật mới có hiệu lực vào ngày 21.11.2023, cho phép nhân viên quyết định làm việc 4 hay 5 ngày/tuần. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ làm việc ít hơn mà chỉ đơn giản là rút gọn thời gian làm việc xuống ít ngày hơn.
Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ giúp thị trường lao động nổi tiếng cứng nhắc của Bỉ trở nên linh hoạt hơn và giúp mọi người dễ dàng cân bằng cuộc sống gia đình với sự nghiệp.
Đức
Đức hiện là nước có tuần làm việc trung bình ngắn nhất ở châu Âu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tuần làm việc trung bình ở Đức là 34,2 giờ.
Tuy nhiên, các công đoàn đã kêu gọi giảm thêm giờ làm việc – và dường như họ đã đạt được mong muốn, mặc dù lý do của sự thay đổi là do đất nước thiếu hụt lao động. Kể từ ngày 1.2.2024, 45 công ty ở Đức bắt đầu thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trong 6 tháng.
Theo khảo sát, 71% người làm việc ở Đức muốn có lựa chọn chỉ làm việc 4 ngày/tuần. Gần một nửa số người sử dụng lao động (46%) cho biết họ thấy việc thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày/tuần là “khả thi”.
Mỹ và Canada
Theo một cuộc khảo sát của nhà cung cấp phần mềm đám mây Qualtrics, có tới 92% người lao động Mỹ được hỏi ủng hộ việc rút ngắn tuần làm việc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải làm việc nhiều giờ hơn. Những người được khảo sát cho rằng, sức khỏe tâm thần được cải thiện và tăng năng suất là những lợi ích rõ rệt khi làm việc 4 ngày/tuần.
Tại Canada, khảo sát của cơ quan việc làm toàn cầu Indeed với 1.000 nhà tuyển dụng nhân viên văn phòng ở Canada cho thấy 51% các công ty lớn với hơn 500 nhân viên sẽ có khả năng thực hiện tuần làm việc 4 ngày.
Theo một báo cáo mới của Maru Public Opinion, 79% người lao động toàn thời gian ở Canada được hỏi cũng sẵn sàng rút ngắn thời gian làm việc từ 5 ngày xuống 4 ngày/tuần.
Nhìn chung, chế độ làm việc 4 ngày/tuần có vẻ chậm nhưng chắc chắn đang thu hút được sự chú ý trên toàn cầu, nhưng liệu các chính phủ có áp dụng ý tưởng này một cách dứt khoát hay không thì vẫn còn phải chờ xem.