Tiểu thuyết “25 độ âm” của tác giả Thảo Trang vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ra mắt. Cuốn sách dựng lại bối cảnh, hành trình, thân phận của những người Việt vượt biên với mong muốn đổi đời. Thế nhưng, họ cũng nhận lại những đánh đổi thật nghiệt ngã.
Theo chân nhân vật Lam, hành trình sinh tử trên con đường vượt biên của cô gái từ Nga tới Pháp và cuối cùng là Anh sẽ được lần lượt tái hiện vô cùng chân thực và tàn khốc.
Đồng hành với Lam là Đức Hà Nội, bà Loan, ông Sang, Phượng và Duy Anh. Trên mỗi cung đường vượt biên, họ sẽ làm quen, gặp gỡ đồng bào mình và cả những con người không cùng màu da, sắc tộc.
Mỗi người ra đi với những lý do, hoàn cảnh đưa đẩy khác nhau. Đối với Lam, bước vào con đường này là sự nối dài chuỗi bi kịch của cuộc đời.
Tuy nhiên, không ít những con người, họ lựa chọn ra đi vì khát vọng đổi đời, nó lớn lao và dữ dội đến mức, họ sẵn sàng lao đi như con thiêu thân.
Tác giả Thảo Trang từng là sinh viên chuyên ngành Xã hội học. Đề tài nghiên cứu khoa học của cô chính là khai thác góc nhìn xã hội trong những người vượt biên.
Hơn 4 năm tìm hiểu thông tin, 200 cuộc phỏng vấn, 23kg tài liệu, sự nỗ lực và dày công nghiên cứu đã trở thành chất liệu viết lên tiểu thuyết “25 độ âm”.
Sau “Tết ở làng Địa Ngục”, người đọc lại lần nữa nhận ra phong cách viết rùng rợn và đậm chất điện ảnh trong tiểu thuyết “25 độ âm”. Tác giả đã khéo léo đan cài những nút thắt, nút mở và hàng loạt tình tiết hư cấu khơi gợi sự tò mò.
Theo từng cung đường vượt biên, người đọc sẽ giống như thực sự tham gia vào một trò chơi sinh tồn, mà cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, dồn dập, tàn khốc và đau đớn.