Theo tờ The New York Sun, máy bay không người lái tầm xa của Ukraina có lẽ đã gây ra vụ cháy bí ẩn. Được xác nhận bởi ảnh vệ tinh của NASA, các vụ hỏa hoạn đã làm nổi bật cuộc chiến đường ống dẫn khí “gián điệp” của Nga và Ukraina – theo cây viết James Brooke của tờ The New York Sun.
Các trận chiến đường ống diễn ra ở nơi khuất tầm mắt, thường là dưới nước. Nếu lợi ích trong cuộc tấn công của Ukraina vào các nhà máy lọc dầu có thể được tính bằng hàng triệu USD thì lợi ích của cuộc chiến đường ống là hàng tỉ USD và tương lai của nền kinh tế Nga.
Cú đánh đầu tiên xảy ra vào ngày 26.9.2022, khi các vụ nổ dưới nước cắt đứt ba trong số bốn nhánh của hai đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2 trị giá 12 tỉ USD chạy dưới biển Baltic. Gần hai năm sau, các nhà điều tra chính thức vẫn chưa công khai danh tính nghi phạm. Tuy nhiên, nhiều phương tiện truyền thông chỉ ra sự tham gia của một nhóm đặc công Ukraina.
Tháng 10 năm ngoái, tàu Newnew Polar Bear mang cờ Trung Quốc với thủy thủ đoàn người Nga, dường như đã làm hư hại tuyến cáp Thụy Điển – Estonia và đường ống dẫn khí Balticconnector nối giữa Phần Lan và Estonia. Ngày 24.10.2023, Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan đã trục vớt được chiếc mỏ neo gắn cạnh đường ống dẫn khí bị hư hại.
Trong một diễn biến khác, Ukraina cho biết sẽ không gia hạn hợp đồng 5 năm với Gazprom để vận chuyển khí đốt Nga đến Trung Âu khi hợp đồng kết thúc vào cuối năm nay. Trừ khi khí đốt được vận chuyển qua TurkStream, nếu không Gazprom sẽ mất 4,5 tỉ USD doanh thu khí đốt sang châu Âu vào năm tới.
Việc Nga xoay trục sang phía Đông cũng khó cứu được Gazprom. Trung Quốc hiện mua khí đốt từ Gazprom với giá chỉ bằng một nửa giá mà khách hàng châu Âu trả. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tỏ ra không cấp bách trong việc xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) – dự án được coi là sự cứu rỗi của Gazprom.
Tờ Financial Times trích báo cáo dài 151 trang của Gazprom thừa nhận rằng, sẽ phải mất ít nhất 10 năm để tập đoàn dầu khí Nga này phục hồi doanh số bán khí đốt bị mất vì xung đột Ukraina.
Điều này làm tăng nguy cơ cho TurkStream, tuyến đường ống dẫn khí lớn cuối cùng của Nga đến châu Âu. Hungary đặc biệt lo ngại vì nước này phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Nga tới 65% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm.
“Chúng tôi quan tâm đến đường ống dẫn khí TurkStream hoặc một tuyến đường an toàn và đáng tin cậy để vận chuyển khí đốt đến Hungary” – Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó cho biết ngày 25.5 sau cuộc gặp tại Budapest với Bộ trưởng năng lượng Bulgaria Vladimir Malinov.
Lưu ý rằng Bulgaria là quốc gia trung chuyển khí đốt chính, ông nói thêm: “Đường ống dẫn khí TurkStream sẽ tiếp tục hoạt động như một trong những tuyến đường an toàn và dễ dự đoán nhất của châu Âu”.
Vài ngày sau, các nhà phân tích nghiên cứu ảnh vệ tinh từ Hệ thống tài nguyên thông tin hỏa hoạn của NASA đã phát hiện hai đám cháy lớn tại trạm nén Russkaya gần Anapa, trên bờ Biển Đen của Nga. Vụ cháy ở điểm đầu của đường ống TurkStream không được đề cập trên báo chí Nga.