
Reuters cho hay, Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (NR) đang tranh giành quyền lực nhưng có khả năng không đạt được đa số, làm dấy lên ám ảnh về một Quốc hội treo hỗn loạn.
Một Quốc hội treo sẽ làm suy giảm nghiêm trọng quyền lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và báo trước một thời kỳ bất ổn kéo dài cũng như bế tắc về chính sách tại nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro.
Nếu Đảng NR theo chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi châu Âu giành được đa số, họ sẽ thành lập chính phủ cực hữu đầu tiên của Pháp kể từ Thế chiến hai và gây ra làn sóng chấn động khắp Liên minh châu Âu (EU) vào thời điểm các đảng dân túy đang nổi lên trên khắp lục địa.
Các cuộc thăm dò dư luận dự báo, Đảng NR mà bà Marine Le Pen là thành viên sẽ nổi lên là lực lượng thống trị trong Quốc hội khi các cử tri trừng phạt Tổng thống Macron vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những khó khăn mà người dân phải đối mặt.
Tuy nhiên, NR được dự báo sẽ không đạt được mục tiêu 289 ghế – đa số quá bán để người đứng đầu đảng này, ông Jordan Bardella, trở thành thủ tướng.
Nếu như ở vòng 1 bầu cử hôm 30.6, Đảng NR về đầu với hơn 33% phiếu bầu, thì vòng hai của cuộc bầu cử mở ra với một diện mạo nhiều thay đổi.

Các đối thủ của NR, như liên minh cầm quyền Phục hưng (Renaissance) của Tổng thống Macron hay liên minh cánh tả Mặt trận nhân dân mới (NFP) đã quyết định rút hàng loạt các ứng viên của mình không có nhiều hy vọng thắng ở những đơn vị bầu cử đấu tay ba, để dồn phiếu tạo điều kiện cho ứng viên còn lại đánh bại ứng viên của Đảng NR.
Kết quả là các cuộc đấu tay ba tại vòng 2 từ 306 ứng viên rút xuống còn 89 ứng viên. Thực tế này đang đặt phe cực hữu – với hy vọng giành đa số quá bán tại Quốc hội – vào tình thế khó khăn.
Theo cuộc thăm dò bỏ phiếu mới nhất do Ifop-Fudicial thực hiện cho tờ Le Figaro, đảng cực hữu có thể giành được từ 210 đến 240 ghế, cánh hữu có thể được từ 170 đến 200 ghế và khối liên minh đảng cầm quyền Renaissance giành được từ 95 đến 125 ghế.
Le Figaro ghi nhận, NFP và phe của Tổng thống Macron có thể ngăn thành công ông Jordan Bardella – Chủ tịch Đảng NR – làm thủ tướng Pháp. Nhưng vẫn phải chờ đợi sau tối 7.7 để xem các đảng sẽ thỏa thuận liên kết với nhau ra sao, nếu không Quốc hội Pháp sẽ lại rơi vào tình trạng tê liệt không vận hành nổi.
Theo tờ Le Figaro, tình hình chính trường Pháp sẽ còn nhiều rối ren sau cuộc bỏ phiếu vòng hai. Nếu phe cầm quyền liên minh với cánh tả và đảng cánh hữu truyền thống thì có thể giành đa số để thành lập một chính phủ không phải của cực hữu, nhưng có điều trong liên minh cánh tả NFP, đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) của ông Jean Luc Mélanchon dự báo sẽ chiếm được nhiều ghế nhất.
Trong khi đó, cử tri ủng hộ đảng của Tổng thống Macron, cũng như của cánh hữu truyền thống khác, không thể chấp nhận được đảng này. Vì thế, sự lựa chọn của cử tri sẽ trở nên khó khăn hơn.
Raphael Glucksmann – thành viên của Nghị viện châu Âu, người dẫn đầu phe cánh tả của Pháp trong cuộc bỏ phiếu ở châu Âu vào tháng trước – nói với đài phát thanh France Inter vào tuần trước: “Pháp đang ở trên bờ vực và chúng tôi không biết tình hình sẽ đi đến đâu”.
Bạo lực chính trị gia tăng trong chiến dịch tranh cử ngắn ngủi kéo dài ba tuần. Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết chính quyền đã ghi nhận hơn 50 vụ hành hung các ứng cử viên và nhà vận động. 30.000 cảnh sát đã được triển khai trong bối cảnh lo ngại về các cuộc biểu tình bạo lực nếu phe cực hữu giành chiến thắng.