Ông Trịnh Văn Quyết có gần 5.000 tỉ đồng cổ phiếu trước khi bị bắt, giờ ra sao?

Trong phiên xét xử ngày 23-7, ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC – bày tỏ mong muốn dùng toàn bộ tài sản tích lũy sau “20 năm lập nghiệp” đang bị phong tỏa để khắc phục hậu quả.

Ông Quyết cũng cho biết tại thời điểm ông bị bắt tạm giam, toàn bộ giá trị các cổ phiếu do ông sở hữu gần 5.000 tỉ đồng.

Trên thực tế, sau khi ông Quyết và những người có liên quan bị khởi tố, các công ty trong hệ sinh thái FLC hầu hết đều khó khăn.

Nghĩa vụ công bố thông tin cũng không được đảm bảo vì nhiều lý do, khiến nhiều cổ phiếu “họ” FLC liên tiếp bị hủy niêm yết bắt buộc trên cả HoSE và UPCoM.

Ngay cả khi được giao dịch trở lại, thanh khoản các mã này cũng sẽ là vấn đề trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn, triển vọng vẫn là “dấu hỏi”.

Nhiều cổ phiếu “họ” FLC chỉ còn hơn 1.000 đồng

Theo báo cáo quản trị mới nhất của FLC, tại cuối năm 2023, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu, tương đương 30,34% vốn điều lệ công ty này.

Do vi phạm về công bố thông tin, 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch trên HoSE từ tháng 9-2022 và sau đó được chấp thuận giao dịch trên UPCoM từ tháng 5-2023.

Với việc tiếp tục nhận “tráp” đình chỉ giao dịch từ HNX, cổ phiếu FLC “đóng băng” giao dịch ở vùng giá 3.500 đồng/cổ phiếu. Trong trường hợp được phép giao dịch trở lại, số cổ phiếu FLC ông Quyết nắm giữ tương đương hơn 750 tỉ đồng.

Sau khi các lãnh đạo FLC bị khởi tố, việc kiểm toán của doanh nghiệp này bị đình trệ. Tập đoàn này cho biết “rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị kiểm toán”.

Sau khi tìm được kiểm toán, lại phát sinh việc thất lạc hồ sơ, tài liệu, chuyển trụ sở văn phòng, phải liên hệ nhân sự cũ làm rõ… Đến nay cổ phiếu vẫn chưa hẹn ngày giao dịch trở lại.

Cùng “cảnh ngộ”, gần 97 triệu cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS cũng bị đình chỉ giao dịch trên HNX kể từ cuối tháng 8-2023 do vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin.

Tại BOS, ông Quyết sở hữu 3,15 triệu cổ phần, tương đương 3,2% vốn công ty. 

Trước khi ngưng giao dịch, thị giá BOS là 1.300 đồng/cổ phiếu. Quy đổi tương đương tiền, số cổ phiếu ông Quyết nắm giữ còn hơn 4 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Quyết cũng nắm hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB của CTCP đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC.

Theo thông báo hồi tháng 5-2024 của HNX, sở này tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch với GAB. Lý do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán.

GAB đã mất thanh khoản thời gian dài và dừng lại ở vùng giá hơn 196.000 đồng. Với số lượng cổ phiếu GAB ông Quyết nắm giữ, tương đương gần 1.500 tỉ đồng.

Vốn hóa GAB hơn 2.900 tỉ đồng, như vậy có khoảng 1.400 tỉ đồng còn lại giá trị cổ phiếu do các cổ đông khác đang nắm giữ. Dù giá trị còn neo cao, nhưng mất thanh khoản, vốn cổ đông từ lớn đến nhỏ lẻ vẫn tạm thời “đóng băng” lại.

FLC, GAB, ART đều nằm trong nhóm 5 cổ phiếu ông Quyết cùng đồng phạm thao túng. Hai mã còn lại gồm AMD của CTCP đầu tư và khoáng sản FLC Stone và HAI của CTCP nông dược H.A.I.

Ngoài GAB, 4 mã còn lại đều ngưng giao dịch ở vùng giá 1.000 – 3.000 đồng mỗi cổ phiếu. Ngoài nắm giữ các cổ phiếu đại chúng, ông Quyết cũng sở hữu cổ phần tại CTCP quản lý vốn và tài sản FLC Holding, FLCHOMES, FLC Travel…

Hé lộ giá trị thương vụ bán Bamboo Airways

Thông qua lời khai ông Quyết tại tòa, giá trị nhượng bán Hãng hàng không Bamboo Airways cũng được tiết lộ.

Theo như ông Quyết nói, số tiền thu được gần 200 tỉ đồng nhận được từ việc bán hãng hàng không đã được gia đình ông Quyết nộp và khắc phục hậu quả.

Số tiền còn lại 500 tỉ đồng sau khi được đối tác mua Bamboo Airways thanh toán cũng sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.

Theo thông tin mới nhất do Bamboo Airways công bố trong đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra tại TP.HCM ngày 17-7, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của hãng năm 2023 đã được đưa về mức dương 236,8 tỉ đồng so với mức âm 19.798 tỉ đồng năm 2022.

Ông Lương Hoài Nam – tổng giám đốc Bamboo Airways – cho hay tái cấu trúc hàng không là công việc rất khó khăn, song hãng vẫn đặt mục tiêu 2024 sẽ là năm cuối cùng kinh doanh bị lỗ.

Từ năm 2025 sẽ hòa vốn và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo. Trong vòng 3 năm đưa công ty lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *