Ông Trương Gia Bình: Ấn Độ và Việt Nam có lực lượng công nghệ nhiều nước mơ không có được

Làm gì khi 75% công việc đang làm có thể biến mất vào năm 2030?

Phát biểu tại Hội nghị tác động công nghệ Việt Nam 2024 do SSI Digital tổ chức ngày 3-12, ông Trương Gia Bình – chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – đề cập đến những tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu…

“Thế giới của chúng ta đang bước vào giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi chưa từng thấy. Chưa bao giờ thế giới trở nên bất ổn, khó đoán đến thế. Một thế giới mới dần hiện lên”, ông Bình mở đầu và đặt ra câu hỏi: “Chúng ta phải ứng xử với tương lai như thế nào khi 75% công việc đang làm có thể biến mất vào năm 2030?”.

Theo ông Bình, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường lao động, con người cần thích ứng với sự thay đổi này bằng cách học hỏi và cải tiến kỹ năng, làm chủ AI, công nghệ trong quá trình làm việc.

Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao với các cường quốc lớn trên thế giới, kết nối với thị trường bằng những nghị định thương mại cởi mở. Hơn thế, Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới.

“Ngài Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies, đã nói: Ấn Độ và Việt Nam đã có doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm doanh thu vượt 1 tỉ USD. Ấn Độ cũng như Việt Nam có lực lượng cán bộ công nghệ mà nhiều nước mơ không có được”, ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, không phải ngẫu nhiên ông Jensen Huang – CEO Nvidia – chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình vào thời điểm này. 

“Tôi tin rằng vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty khác sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình”, ông Bình kỳ vọng và nói không nhiều nơi như Việt Nam, bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm có thể học và tham gia.

Cuối cùng, ông Bình nhắc tới điều ông cho là quan trọng nhất: Dữ liệu. Bởi mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu.

“Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và toàn thế giới. Vậy làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch, quyền sở hữu dữ liệu ra sao? Cần phải suy nghĩ thấu đáo về chuyện này”, ông Bình trăn trở.

Doanh nghiệp blockchain, tài sản số Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với Singapore hay Thái Lan

Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Chứng khoán SSI, cũng cho biết blockchain, tiền mã hóa… đã không còn là khái niệm xa lạ.

Nếu như tài sản hữu hình có thể quản lý được thông qua hải quan, còn tài sản số không có biên giới, có thể mang sang bất cứ nước nào nếu Việt Nam không có cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát triển và đảm bảo sự tồn tại trong nước.

Cũng theo chủ tịch SSI, việc có khung pháp lý sẽ hạn chế tình trạng những doanh nghiệp Việt bay sang những nước phát triển như Singapore, Mỹ để mở doanh nghiệp, sau đó lại quay về Việt Nam tuyển người.

“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan”, ông Hưng trăn trở.

Trong khi đó, ông Long Nguyễn – CTO Aura Network – thừa nhận việc áp dụng blockchain vào các doanh nghiệp còn khó khăn. Đơn cử, dữ liệu nhiều công ty phải được bảo mật và nằm ở Việt Nam, nhưng khi đưa lên blockchain thì lại là câu chuyện khác. 

“Nhìn chung, nếu đã có sự tin tưởng thì blockchain mang lại nhiều ưu việt, còn ngược lại thì không ít khó khăn”, ông Long cho biết hiện tại blockchain mới áp dụng chủ yếu ở lĩnh vực tài chính, cần cố gắng thúc đẩy mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Tại hội nghị, các chuyên gia công nghệ chỉ ra đối với lĩnh vực tài chính, blockchain đã hỗ trợ giao dịch tiền mã hóa, hợp đồng thông minh và các dịch vụ tài chính phi tập trung mà không cần qua trung gian truyền thống như ngân hàng; giúp giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ xử lý…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội, việc phát triển blockchain ở Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhận thức của thị trường, quy định pháp lý còn hạn chế…

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *