MH370 biến mất khi nào?
Theo BBC, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn khởi hành từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur lúc 0h41 ngày 8.3.2014 và dự kiến hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh lúc 6h30 sáng cùng ngày theo giờ địa phương.
Kiểm soát viên không lưu của Kuala Lumpur là những người cuối cùng nhận được thông tin liên lạc từ máy bay. Các phi công đã liên lạc với họ để thông báo rằng máy bay đang tiến vào không phận của một quốc gia khác.
Đạo diễn phim “MH370: Chiếc máy bay biến mất” của Netflix, bà Alessandra Bonomolo, nói với BBC: “Sau 40 phút, MH370 biến mất khỏi radar dân sự”. Bà khẳng định cuộc trò chuyện cuối cùng giữa phi công và nhân viên kiểm soát không lưu là “hoàn toàn theo thông lệ”.
Ngày 17.3.2014, Cục An toàn Giao thông Australia dẫn đầu cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Cuộc tìm kiếm MH370 kết thúc sau 1.046 ngày vào ngày 17.7.2018.
Theo CBS News, vào khoảng tháng 7.2015, một cánh phụ của MH370 đã dạt vào đảo Reunion phía tây Ấn Độ Dương. Mảnh vỡ máy bay này là bằng chứng đầu tiên khẳng định chiếc máy bay mất tích thực sự đã bị rơi.
Một số giả thuyết xuất hiện liên quan đến sự biến mất của MH370. Một số người tin rằng Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, khi đó 53 tuổi, có khả năng đã đâm máy bay trong một vụ tự sát giết người hàng loạt.
Các giả thuyết cho rằng máy bay bị hỏng hoặc bị cướp. Các nhà chức trách đã điều tra một số hành khách về cáo buộc cướp tài sản và phát hiện ra hai cá nhân sử dụng hộ chiếu giả. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy những người trên máy bay có liên quan đến vụ mất tích MH370.
Manh mối
Kể từ đó đến nay, những nỗ lực của các nhà nghiên cứu đã làm tăng thêm một chút cơ hội rằng bí ẩn MH370 có thể được giải mã.
Tờ Independent đưa tin, nhóm nghiên cứu từ Đại học Cardiff, Anh đã phát hiện tín hiệu dài 6 giây được ghi lại vào khoảng thời gian MH370 biến mất trên màn hình radar. Tín hiệu được ghi lại bằng hydrophone – một loại micro dưới nước được sử dụng bởi các trạm thủy âm trên khắp thế giới để ghi lại tín hiệu âm thanh dưới nước.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, tín hiệu dài 6 giây này được ghi lại khi máy bay được cho là đã hết nhiên liệu và lao xuống Ấn Độ Dương.
Giả thuyết này khá vững chắc. Theo tờ Telegraph, “một chiếc máy bay nặng 200 tấn rơi với tốc độ 200 mét/giây sẽ giải phóng động năng tương đương với một trận động đất nhỏ. Điều này sẽ đủ lớn để được ghi lại bằng hydrophone ở cách xa hàng nghìn kilomet”.
May mắn thay, có hai chiếc hydrophone dưới nước như vậy được đặt ở khu vực đó. Một chiếc ở Cape Leeuwin, Tây Australia và chiếc thứ hai nằm ở lãnh thổ Diego Garcia của Anh ở Ấn Độ Dương.
Để phân tích sâu hơn về tín hiệu âm thanh, các nhà nghiên cứu đề xuất thực hiện các vụ nổ có kiểm soát dọc theo “vòng cung thứ 7” (được ngầm hiểu là một vị trí rơi trong phạm vi 120km từ vị trí ước tính cuối cùng của MH370 ở Ấn Độ Dương) để có thể giúp xác định nguồn gốc của tín hiệu âm thanh.
Bên cạnh đó, ông Gregory Herbert – Phó Giáo sư Sinh học tiến hóa của Đại học Nam Florida (Mỹ) – cho rằng việc phân tích những con hà bám trên mảnh vỡ MH370 có thể cung cấp manh mối có giá trị.
Giống như vòng của thân cây, vỏ hà có những ghi chép về cuộc đời chúng. Giải mã thông tin đó và lần lại theo đường đi của chúng trên mảnh cánh phụ MH370 để tới vị trí máy bay rơi và bí ẩn có thể được giải đáp.