Các nhà khảo cổ Trung Quốc thông tin, những bức tranh tường mô tả cảnh đời thường được bảo tồn tốt đã được phát hiện trong một ngôi mộ thời nhà Đường (618-907) được khai quật ở Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc.
Mộ cổ làm bằng gạch được khai quật năm 2018 trong quá trình xây dựng đường sá, Tân Hoa Xã thông tin.
Mộ cổ này thuộc về một người đàn ông qua đời năm 736 ở tuổi 63.
Viện Khảo cổ tỉnh Sơn Tây đã cung cấp thông tin chi tiết về những phát hiện liên quan đến ngôi mộ trong tuần này.
Các cổng, hành lang, trần, tường và cỗ quan tài đều có tranh vẽ, trong đó, cổng mộ, hành lang… đều có các cặp hình ở 2 bên, được cho là tượng trưng cho những người bảo vệ.
Trong số những bức tranh tường sống động trong mộ cổ, có 2 bức tranh trên những bức tường riêng biệt trong khoang chứa cỗ quan tài đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ.
Một bức tranh mô tả nhiều cảnh làm việc khác nhau, trong đó có cảnh người đàn ông sử dụng máy nghiền con lăn để bóc vỏ ngũ cốc, một người phụ nữ vận hành máy xay đá, một người đàn ông nhào bột và một người phụ nữ đang lấy nước bằng một thiết bị nâng hạng nặng cổ xưa của Trung Quốc.
Bức tranh tường còn lại có hình một người phụ nữ mặc áo choàng nhiều màu, một người đàn ông không phải người Hán cầm roi ngựa cùng hình ảnh ngựa và lạc đà.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc nhận định, những phát hiện trong mộ cổ có giá trị lớn cho việc nghiên cứu các bức tranh tường lăng mộ thời nhà Đường.