RT đưa tin, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết ông sẽ cân nhắc việc tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến diễn ra tại thành phố Kazan của Nga vào tháng 10.2024, sau khi phát hiện ra rằng ông được mời tham dự hội nghị.
Trong bài phát biểu trước quốc dân hôm 29.3, Tổng thống quốc gia Trung Âu đã kiểm tra ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS với Ngoại trưởng Ivica Dacia. Ông Dacia cho biết, nhà lãnh đạo Serbia đã được mời dự hội nghị.
“Tôi được mời làm khách danh dự phải không?” – Tổng thống Vucic ngạc nhiên đáp lại. “Cảm ơn vì lời mời, chúng ta sẽ xem xét khả năng tham dự”.
Năm 2024, Nga đảm nhận chức Chủ tịch BRICS. Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin xác nhận rằng Kazan, thủ phủ vùng Tatarstan, sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm “ở cấp cao nhất”, với hơn 200 sự kiện chính trị, kinh tế và công cộng đang được lên kế hoạch như một phần của sự kiện. Ngày chính xác của hội nghị thượng đỉnh vẫn chưa được công bố.
Năm ngoái, một nhóm nghị sĩ Serbia đã đề xuất gia nhập BRICS thay vì EU, cho rằng tổ chức này sẽ mang lại triển vọng phát triển kinh tế tốt hơn.
Serbia nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009 và được cấp tư cách ứng cử viên vào năm 2012. Tuy nhiên, đơn đăng ký của nước này đã bị đình trệ do yêu cầu của khối về “bình thường hóa” quan hệ của Serbia với tỉnh ly khai Kosovo. Phong trào Xã hội chủ nghĩa – hoạt động với tư cách là đối tác cấp dưới của Đảng Tiến bộ Serbia cầm quyền – cáo buộc EU sử dụng “tống tiền chính trị” trong nỗ lực buộc Serbia phải từ bỏ lãnh thổ của mình.
“Có một thực tế không thể chối cãi, đó là con đường châu Âu của Serbia có một sự thay thế rõ ràng bằng con đường gia nhập BRICS” – các nhà lập pháp cho biết vào năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh vào việc đối thoại công khai về vấn đề này.
Cộng hòa Srpska (Republika Srpska), một trong hai thực thể chính trị của người Serb ở Bosnia-Herzegovina, cũng bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, cho rằng đây là một giải pháp thay thế rõ ràng cho EU.
“Vì EU liên tục đưa ra những yêu cầu mới và mơ hồ, tôi nghĩ Bosnia-Herzegovina nên nộp đơn vào BRICS. Tôi tin rằng việc kết nạp sẽ diễn ra nhanh hơn” – ông Milorad Dodik, nhà lãnh đạo Republika Srpska nói vào tháng 8 năm ngoái, sau khi BRICS đồng ý kết nạp 6 thành viên mới.
Nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn được thành lập vào năm 2006 gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức vào tháng 1.2024. Hàng chục quốc gia khác được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.