Bloomberg đưa tin Nhóm G7 có thể đã từ bỏ kế hoạch của Mỹ nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga do “lời đe dọa ngầm” từ Saudi Arabia.
Mỹ và Vương quốc Anh đã thúc đẩy việc tịch thu hoàn toàn khoảng 280 tỉ USD từ các quỹ chính phủ của Nga mà phương Tây đã đóng băng vào năm 2022 vì xung đột Ukraina. Liên minh châu Âu (EU) – nơi nắm giữ hầu hết số tài sản này – không muốn thấy đồng euro gặp nguy hiểm trước phản ứng dữ dội có thể xảy ra.
Ngày 9.7, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Saudi Arabia “bí mật ám chỉ” rằng, họ có thể bán một số trái phiếu của EU nếu G7 tiến hành kế hoạch tịch thu tài sản của Nga.
Một trong những nguồn tin ẩn danh của Bloomberg mô tả thông điệp của Bộ Tài chính Saudi Arabia là “lời đe dọa ngầm”, trong khi hai nguồn tin khác nói rằng Riyadh đề cập cụ thể đến trái phiếu kho bạc của Pháp.
Điều này có thể đã ảnh hưởng đến việc G7 dừng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển số tiền lãi mà tài sản này tạo ra thành các khoản vay cho Ukraina. Mátxcơva lên án hành động này là bất hợp pháp và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho hay, nó có thể được hiểu là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh.
Tuy nhiên, khi đưa ra bình luận, Bộ Tài chính Saudi Arabia nói với Bloomberg rằng, “không có lời đe dọa nào như vậy được đưa ra”.
Bộ Tài chính Saudi Arabia cho biết: “Mối quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi tiếp tục thảo luận về tất cả vấn đề thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế”.
Một quan chức Saudi Arabia nói với Bloomberg rằng, việc đưa ra những lời đe dọa như vậy không phải là “phong cách” của Chính phủ Saudi Arabia và Bộ Tài chính có thể chỉ nêu ra “hậu quả cuối cùng” của việc G7 tịch thu tài sản Nga.
Saudi Arabia sở hữu khoảng 135 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và một lượng trái phiếu euro không xác định. Các nguồn tin của Bloomberg cho hay, giới chức EU ít lo ngại hơn về tác động đối với trái phiếu của Pháp so với của các quốc gia khác.
Hai trong số các nguồn tin đặt câu hỏi về độ tin cậy của lời đe dọa được cho là từ Saudi Arabia, đồng thời lưu ý rằng không có tác động nào đến tiền tệ của G7 khi tài sản của Nga lần đầu tiên bị đóng băng. Lập luận tương tự cũng đã được Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Daleep Singh đưa ra tại một hội nghị vào tháng 5.
Việc phương Tây đóng băng tài sản chủ quyền của Nga vào tháng 2 năm 2022 là một động thái chưa từng có tiền lệ. Một số chuyên gia ở phương Tây cảnh báo không nên tịch thu tiền, lưu ý rằng điều này có thể làm suy yếu đồng USD, đồng euro và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.