Tuần qua, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố, Hungary sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga bất chấp sức ép từ EU, theo trang Upstream.
Ông Szijjarto cho biết, Hungary “chưa sẵn sàng từ bỏ quan hệ đối tác trong lĩnh vực cung cấp năng lượng”, dù về dài hạn, nước này cũng sẽ giảm nhập khẩu khí đốt Nga sau khi dự án hạt nhân hoàn thành.
Các quốc gia EU đã nỗ lực chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga và tìm nguồn cung thay thế sau khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên, dầu khí Nga hiện đáp ứng từ 70% đến 80% nhu cầu năng lượng hàng năm của Hungary, ước tính khoảng 59 triệu thùng dầu và 8,5 tỉ mét khối khí đốt, theo ông Szijjarto.
“Dựa trên quan sát thực tế và cơ sở hạ tầng, Hungary không thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nếu không có sự cung cấp từ Nga” – nhà ngoại giao hàng đầu Hungary nhấn mạnh.
Đầu năm nay, EU nhắc lại kế hoạch tới năm 2027 loại bỏ dần khí đốt và các nhiên liệu khác của Nga được vận chuyển bằng đường ống dẫn khí. Đề xuất cấm trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tại các cảng châu Âu cũng đang được thảo luận.
Ngoại trưởng Szijjarto cho hay, Hungary chưa từng nhận được bất kỳ lời đề nghị từ bất kỳ bên nào về việc cung cấp được lượng dầu và khí đốt với lịch trình, khối lượng và mức giá như Nga. Do đó, “không ai có quyền gây sức ép với chúng tôi nhằm thay đổi mối quan hệ, cắt giảm nguồn cung cấp và thay đổi nguồn năng lượng của chúng tôi”, nhà ngoại giao Hungary nhấn mạnh.
Ông Szijjarto cũng cho biết, việc phát triển nhiên liệu hóa thạch ở Nam Âu có thể giúp Hungary có được các nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên, các kế hoạch này đã bị hoãn hoặc hủy bỏ.
“Có một đường ống dẫn dầu thay thế từ Croatia đến Hungary. Thay vì tăng sức chứa, phí vận chuyển lại tăng gấp 5 lần. Đây chính là điều mà châu Âu đang đồng nhất hướng tới” – ông chỉ ra.
Tuy nhiên, ông Szijjarto không bác bỏ khả năng giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, với mức giảm 3,5 tỉ mét khối mỗi năm, sau khi nhà máy điện hạt nhân thứ 2 của nước này đi vào vận hành đầy đủ.
Nhà máy điện hạt nhân thứ 2 của Hungary – Paks II – do tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom xây dựng. Paks II sẽ sản xuất khoảng 2,4 gigawatt điện. Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Paks II dự kiến đi vào hoạt động năm 2025 và lò phản ứng thứ hai đi vào hoạt động năm 2030.