
Một thập kỷ sau khi chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn biến mất, những tin đồn về số phận của chiếc máy bay mất tích bí ẩn này vẫn tiếp tục lan truyền rộng rãi trên mạng.
“Tin nóng: Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines trở lại sau 10 năm bí ẩn, hành trình của 239 hành khách” – là tiêu đề một bài đăng trên Facebook ngày 28.6.
Bài đăng dẫn người dùng đến một bài báo đưa ra tuyên bố tương tự, với những hình ảnh đáng lo ngại về chiếc máy bay với đường bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh, Trung Quốc và hàng chục xác chết trên khoang máy bay.
Bài đăng này đã được gắn cờ như một phần trong nỗ lực của Meta nhằm chống lại tin tức giả mạo và thông tin sai lệch trên News Feed.
Trang Politifact của Viện The Poynter khẳng định, bài đăng nói trên là sai sự thật. Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu vào ngày 8.3.2014, đến ngày 7.7.2024 vẫn chưa được trục vớt. Tất cả 239 hành khách và phi hành đoàn được cho là đã thiệt mạng.

Politifact nhấn mạnh, chiếc máy bay vẫn chưa được trục vớt cũng như không “trở về” nguyên vẹn. Tuyên bố trên mạng cho rằng chuyến bay Malaysia Airlines mất tích đã quay trở lại sau 10 năm là sai sự thật.
Ngày 24.3.2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo, chuyến bay MH370 có thể đã rơi ở Ấn Độ Dương. Hãng tin AP đưa tin, tháng 7 năm 2015, một mảnh vỡ được xác nhận là một phần của MH370 dạt vào bờ biển phía tây Ấn Độ Dương. Nhiều mảnh vỡ khác của máy bay đã được tìm thấy kể từ đó.
Một số quốc gia đã mở rộng các cuộc tìm kiếm MH370 trong ba năm, nhưng chính thức dừng lại vào năm 2017. Một công ty tư nhân của Mỹ, Ocean Infinity, đã tiến hành cuộc tìm kiếm của riêng mình vào năm 2018 và vào tháng 3 vừa qua, các quan chức Malaysia cho biết họ có thể mở lại cuộc tìm kiếm máy bay.
Lời kêu gọi tiếp tục tìm kiếm MH370 được đưa ra sau những phát hiện gần đây của một nhóm nghiên cứu từ Đại học Cardiff, Anh.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện tín hiệu dài 6 giây được ghi lại vào khoảng thời gian MH370 biến mất trên màn hình radar. Tín hiệu được ghi lại bằng hydrophone – một loại micro dưới nước được sử dụng bởi các trạm thủy âm trên khắp thế giới để ghi lại tín hiệu âm thanh dưới nước.
Mặc dù nghiên cứu của Đại học Cardiff không xác định chính xác vị trí của MH370 nhưng đã xác định được tín hiệu âm thanh có thể được tạo ra do máy bay va chạm với nước.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết, Ocean Infinity – công ty đề xuất nối lại cuộc tìm kiếm MH370 – có tính đến đầu mối mới này. Đề xuất đang được bộ xem xét trước khi trình lên Nội các.