Saigon Co.op ‘bắt tay’ phát triển chuỗi cung ứng bền vững

Tại buổi lễ, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang và Hợp tác xã Dure Cosumer’s Cooperative Union (Hàn Quốc).

Đây là các đối tác kinh doanh sản xuất và canh tác các mặt hàng nông sản Việt như bưởi da xanh, xoài, chuối, dưa lưới, thanh long, bắp cải trắng, cà chua, cà rốt, rau xà lách, dưa leo…

“Bắt tay” cùng nâng cao chất lượng

Tại sự kiện, bà Võ Thị Bích Thủy, phó giám đốc phòng quản lý chất lượng Saigon Co.op, cho hay xây dựng vùng nguyên liệu bền vững là một trong những chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp.

Để thực hiện chiến lược, Saigon Co.op đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế nhằm chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng.

Cùng với đó, đơn vị cũng chú trọng nâng cao năng lực của các nhà cung cấp thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn giúp đối tác cung cấp đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn.

“Việc phát triển vùng nguồn liệu bền vững là một trong những định hướng lâu dài của Saigon Co.op. Và để đạt được điều đó, chúng tôi đã chuẩn bị và thực hiện từ rất lâu, bắt đầu từ năm 2018 và kéo dài đến 2025”, bà Thủy cho hay.

Cho đến nay, Saigon Co.op đã hoàn thành giai đoạn đầu thiết lập với 17 nhà cung cấp tại 6 tỉnh thành. Trong tương lai, chương trình dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng đến các địa phương khác trên cả nước nhằm tăng cường chuỗi cung ứng bền vững.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ trong suốt 35 năm hình thành và phát triển, Saigon Co.op luôn tiên phong thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và người tiêu dùng Việt Nam.

Saigon Co.op nỗ lực không ngừng cải thiện chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, nhằm mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo tổng giám đốc Saigon Co.op, việc xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng không chỉ giúp đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và an toàn thực phẩm, mà còn giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra.

Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhà phân phối, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, phát triển vùng nguyên liệu bền vững còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đánh giá cao những nỗ lực của Saigon Co.op, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng khẳng định rằng TP.HCM có đầy đủ tiềm lực và điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Ông tin rằng, với sự hợp tác từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, các vùng nguyên liệu chất lượng cao sẽ được xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Saigon Co.op khẳng định vị thế của doanh nghiệp đầu ngành

Việc phát triển vùng nguyên liệu không chỉ đánh dấu bước tiến chiến lược của Saigon Co.op mà còn khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài xây dựng vùng nguyên liệu, Saigon Co.op hỗ trợ ứng vốn sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân, các hợp tác xã và nhà cung cấp nguyên liệu địa phương gồm 5 nhà cung cấp: Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức, Công ty thực phẩm Nam Việt Food, Hợp tác xã Nam Sơn, Công ty TNHH SX TM nông sản Phong Thúy và Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh.

Cũng trong buổi lễ, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hợp tác xã Dure Co.op của Hàn Quốc, mở ra sự hợp tác trong ba lĩnh vực chính: xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh bán lẻ, và thúc đẩy phong trào hợp tác xã tại cả Hàn Quốc và Việt Nam.

Sự hợp tác này không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa mà còn thể hiện sự cam kết chung của cả hai tổ chức đối với phát triển bền vững. Với sự kết hợp giữa kinh nghiệm và tiềm lực của cả hai bên, kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.

Trước đó, tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững – nâng cao chất lượng hàng Việt Nam” diễn ra hồi tháng 3, Saigon Co.op cũng đã cùng với 5 hệ thống bán lẻ khác ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM và 6 doanh nghiệp và HTX ký cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững. Hoạt động này được lãnh đạo UBND TP và nhiều sở, ngành đánh giá cao.

Theo đại diện Saigon Co.op, các ký kết với hệ thống bán lẻ khác và nhà cung cấp dù hình thức khác nhưng cũng chung một mục tiêu là tăng kiểm soát đầu vào, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa được kinh doanh tại các hệ thống như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… của đơn vị.

Trong năm 2023, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỉ đồng thông qua đối tác chiến lược NTUC FairPrice.

Saigon Co.op và Sở Công Thương TP.HCM chủ động cùng kết hợp, vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận có sản phẩm tốt, uy tín, công nghệ tiên tiến, đồng thời có nhu cầu tham gia kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh.

NHẬT XUÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *