Sân bay: bệ phóng cho nền kinh tế

Có thể làm sân bay chỉ 1 năm

12 tháng là thời gian “đáng kinh ngạc” được cam kết để xây dựng xong sân bay Gia Bình (Bắc Ninh). Nếu hoàn thành, đây sẽ là kỷ lục mới được thiết lập với 1 dự án sân bay tại Việt Nam. Không chỉ thời gian nhanh nhất, sân bay này còn được cam kết chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất.

Chính thức khởi công đầu tháng 12/2024, dự án sân bay Gia Bình do Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động làm chủ đầu tư. “3 cái nhất” của sân bay Gia Bình là hoàn toàn khả thi bởi nhà thầu thi công là Sun Group – doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đã xây dựng thành công sân bay quốc tế Vân Đồn đẳng cấp – chất lượng trong chưa đầy 2 năm.

Không chỉ là công trình quốc phòng – an ninh quan trọng, sau khi khởi công giai đoạn 1, Bắc Ninh đang tập trung xây dựng Đề án trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch bổ sung để nâng cấp Sân bay Gia Bình trở thành Cảng hàng không, phục vụ đón các đoàn ngoại giao quốc tế, vận tải hành khách và hàng hóa, kéo dài đường băng từ 3,05km lên tới 4,5km để có thể đón các loại máy bay lớn nhất thế giới.

Huy động khối tư nhân làm sân bay là xu hướng

Sân bay là những thực thể kinh tế quan trọng. Theo một nghiên cứu, các sân bay của Hoa Kỳ tạo ra 1.400 tỷ đô la Mỹ từ hoạt động kinh tế mỗi năm và cung cấp 11,5 triệu việc làm.

Tại Úc, nơi có dân số tương đối nhỏ nhưng khoảng cách xa xôi khiến việc bay trở thành nhu cầu thiết yếu, các sân bay của quốc gia này đã đóng góp 105 tỷ đô la Úc giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2022, hoặc khoảng 5% GDP và 690.000 việc làm toàn thời gian tương đương (Báo cáo Deloitte Access Economics, 2023).

Không khó lý giải những thống kê nói trên khi sân bay ngày nay là điểm trung chuyển quan trọng của dòng lưu thông con người và hàng hóa. Giao thương thuận tiện góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu, du lịch, tạo động lực cho nền kinh tế. 

Đặc biệt tại những khu vực có địa hình phức tạp, hiểm trở như miền núi, hải đảo… sự hiện diện của sân bay sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý, phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo trung tâm hàng không CAPA, hoạt động xây dựng tại các sân bay đã chững lại trong đại dịch COVID-19 nhưng quy mô cam kết đầu tư vẫn lên tới hàng trăm tỷ đô la Mỹ. Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về số lượng dự án sân bay và khoản đầu tư đã cam kết vào các sân bay hiện hữu và mới.

Về nguồn lực đầu tư, trong bối cảnh khó khăn, mở đường cho tư nhân đầu tư sân bay là xu hướng. Chẳng hạn tại Mỹ, nơi có nhiều sân bay hơn bất kỳ quốc gia nào, rất nhiều dự án xây dựng sân bay mới đã rộng cửa cho tư nhân đầu tư. Theo Cục Hàng không Liên bang (FAA), Mỹ có tổng cộng 19.633 sân bay trên toàn quốc. Trong số này, có tới 14.551 sân bay tư nhân.

Việt Nam có 22 sân bay, phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 33 cảng hàng không. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng kiến nghị bổ sung sân bay nhằm phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Báo cáo Quốc hội hồi tháng 10-2023, Bộ GTVT cho biết, bên cạnh sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), thời gian tới dự kiến có thêm 9 sân bay nữa chào mời vốn xã hội hóa, kể cả sân bay đầu tư mới lẫn sân bay đang hoạt động để đầu tư mở rộng. DN tư nhân xây sân bay sẽ giúp tối ưu chi phí, tránh đội vốn, tránh tiêu cực.

Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, trong đó có đánh giá kết quả xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đề xuất giải pháp tổng thể trên cơ sở khoa học, thực tiễn, để huy động vốn xã hội đầu tư vào sân bay.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với 22 cảng hàng không hiện hữu và sắp tới là 33 cảng hàng không theo quy hoạch đều được xác định dùng chung quân sự – dân dụng đã thể hiện đặc điểm riêng và vai trò quan trọng của mạng lưới cảng hàng không, tạo ra động lực phát triển KT-XH.

Trong bối cảnh có đến 58% du khách trên thế giới đi du lịch bằng đường hàng không (theo UNWTO) và 40% giá trị xuất khẩu của thế giới được tạo ra qua hình thức không vận (theo ATAG), dễ thấy vai trò của hạ tầng hàng không đối với các quốc gia bao gồm cả Việt Nam nhằm tạo bệ phóng cho kinh tế bứt phá là không thể phủ nhận.

Mạng lưới sân bay nối liền sẽ tạo nên “mạch máu” cho nền kinh tế. Mạng lưới “mạch máu” càng dày, việc thông thương giữa các vùng miền, giữa Việt Nam và thế giới càng thuận lợi. 

Để Việt Nam hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không thế giới như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, việc thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hạ tầng sân bay là vô cùng quan trọng, từ đó tạo mũi đột phá cho kinh tế bứt tốc trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

D.TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *