Nghiên cứu xây dựng Sandbox cho các startup tài chính, ngân hàng…
Chỉ thị số 9/CT-TTg được ban hành sau khi có những phản ánh của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (startup) cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản, kém sức cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Các hạn chế chủ yếu do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho các startup; những qui định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; thiếu sự hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước hạn chế, thủ tục phức tạp; chưa có hành lang pháp lí cho các dịch vụ sản phẩm mới…
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng thể chế cho các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, đã xuất hiện hoặc có tiềm năng xuất hiện, tạo hành lang pháp lí thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ.
Ở các ngành có tiềm năng nhưng có mức độ ảnh hưởng cao đến kinh tế, xã hội như tài chính, ngân hàng, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lí thử nghiệm (Regulatory Sandbox) để doanh nghiệp có thể phát triển và thí điểm sản phẩm, dịch vụ mới.
Sandbox tại Việt Nam: Thời điểm chín muồi!
Khái niệm và cơ chế về Sandbox ở mỗi quốc gia có sắc thái khác nhau tùy theo nền tảng luật pháp và bối cảnh nền kinh tế – xã hội tuy nhiên, hiện nay đã có hàng chục quốc gia áp dụng cơ chế này.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, Sandbox được hiểu chung là những cơ chế đặc biệt mang tính thử nghiệm cho một số lĩnh vực, dự án khởi nghiệp thường là gắn với sáng tạo và công nghệ mới tạo ra các mô hình kinh tế, kinh doanh mới.
Một trong những nhà quản lí có tinh thần hậu thuẫn mạnh mẽ cho Sandbox là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Tại một cuộc Hội nghị giao ban công tác quản lí nhà nước về thông tin và truyền thông vào tháng 10.2019, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp có thể đề xuất thí điểm Sandbox thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore được xem là quốc gia áp dụng mạnh mẽ Sandbox cho các startup, như thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản, miễn giảm thuế trong những năm đầu, hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp nước ngoài mở công ty tại Singapore, hệ sinh thái khởi nghiệp linh động và đa dạng hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thí điểm mô hình kinh doanh mới với các ưu đãi, hỗ trợ gọi vốn.v.v… Nhờ đó, Singapore đã thu hút được nhiều startup nước ngoài trong đó có Việt Nam đến đầu tư (điển hình là Grag – doanh nghiệp gốc Malaysia đến Singapore mở pháp nhân).
Một mặt tích cực khác là cơ chế Sandbox có thể mở đường cho các doanh nghiệp nhà nước làm startup trong một mức độ có kiểm soát và qui định rõ ràng. Làm startup cần dòng tiền đầu tư theo lộ trình từ 3-5 năm thường là hạch toán lỗ, nếu không có Sandbox thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ rất ngại vì đối mặt với lỗ lã, thất thoát rất dễ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo thống kê, trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây Việt Nam mới có được hai startup được gọi là “kì lân” (giá trị cán mức 1 tỉ USD cho đến dưới 10 tỉ USD) là VNG và VNPay. Sandbox được cho là sẽ giúp thúc đẩy các startup Việt lớn mạnh và đạt nhiều hơn đến giá trị “kì lân”.