Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2024 của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 8.086 tỉ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên lũy kế cả nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của “ông lớn” ngành bia đạt 15.269 tỉ đồng, lại tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong bức tranh kết quả kinh doanh của Sabeco, doanh thu tài chính (chủ yếu lãi tiền gửi ngân hàng) đóng góp một phần không nhỏ.
Tuy nhiên ở quý 2 năm nay, nguồn thu này chỉ mang về cho Sabeco 266 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm về mức kỷ lục.
Tính đến cuối tháng 6-2024, Sabeco có gần 23.400 tỉ đồng gửi ngân hàng, tăng thêm gần 540 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Với lượng tiền lớn này, ông lớn ngành bia nhận về hơn 545 tỉ đồng doanh thu tài chính trong 6 tháng năm 2024, giảm 23%.
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn, phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết Sabeco nhận về cũng thấp hơn 64% so với cùng kỳ, chỉ đạt 28 tỉ đồng tại quý 2 năm nay.
Bù lại, Sabeco tỏ ra hiệu quả hơn trong việc tiết giảm các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay. Hầu hết các chi phí đều thấp hơn cùng kỳ, gồm cả tiền quảng cáo khuyến mãi.
Kết quả, Sabeco báo lợi nhuận sau thuế đạt 1.318 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất kể từ quý 4-2022.
Lũy kế 6 tháng, công ty bia nội địa có thị phần lớn nhất này lãi ròng hơn 2.342 tỉ đồng, tăng 6% cùng kỳ.
Ông Tan Teck Chuan Lester – tổng giám đốc Sabeco – cho biết dù nghị định 100 được thực thi nghiêm ngặt cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng khác, nhưng doanh thu thuần nửa năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá.
“Tương tự, lợi nhuận ròng cao hơn do chi phí bán hàng thấp hơn, giúp giảm nhẹ một phần thu nhập từ lãi tiền gửi và phần lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết thấp hơn”, lãnh đạo Sabeco lý giải.