
Ngày 7.7.2024, Jon Landau – nhà sản xuất phim “Titanic”, “Avatar” mất ở tuổi 64 vì ung thư.
Nhân dịp này, cộng đồng người hâm mộ phim “Titanic” có dịp nhớ lại những phân cảnh mang tính biểu tượng trong bộ phim lãng mạn bậc nhất mọi thời đại.
Một trong những cảnh phim đau lòng nhất vẫn còn đọng lại trong tâm trí người xem: Hình ảnh một cặp vợ chồng lớn tuổi ôm chặt lấy nhau trên giường, lặng lẽ chờ đợi cái chết đến khi nước biển băng giá tràn vào cabin.

Đây là cảnh phim dựa trên câu chuyện có thật về Isidor Straus (67 tuổi) và người vợ Ida Straus (63 tuổi) – chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa nổi tiếng Macy’s và là một trong những cặp đôi giàu có nhất trên chuyến tàu định mệnh.
Cuộc đời và tình yêu của Isidor và Ida Straus
Isidor Straus sinh năm 1845, tại Otterberg, Đức. Ông cùng gia đình di cư sang Georgia, Mỹ vào giữa những năm 1850 và sau đó chuyển đến New York. Tại đây, ông được giới thiệu với Ida và hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm.

Năm 1871, ở tuổi 26, Isidor cầu hôn Ida, khi đó mới 22 tuổi.
Isidor sau đó trở thành chủ sở hữu của Macy’s và được bầu vào Hạ viện năm 1894. Ông là bạn thân của nhiều tổng thống Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Grover Cleveland.
Mỗi khi phải đi công tác xa, Isidor đều viết thư cho Ida hàng ngày.
Năm 1872, Ida và Isidor sinh con đầu lòng Jesse Straus. Họ tiếp tục sinh thêm 5 người con nữa – Percy, Sara, Minnie, Herbert Nathan và Vivian. Gia đình Straus sống một cuộc sống hạnh phúc và sung túc ở New York.
Chuyến đi định mệnh trên tàu Titanic
Năm 1912, cặp đôi dành kỳ nghỉ ở châu Âu. Ban đầu, họ đặt vé về nhà trên tàu RMS Olympic, nhưng do chuyến đi bị hoãn nên họ quyết định đổi sang tàu Titanic.
Trên con tàu được mệnh danh là “không thể chìm” này, Isidor và Ida ở trong một phòng suite sang trọng trên boong C, gồm cabin 55 và 57.
Vào đêm định mệnh 14.4.1912, sau khi thưởng thức bữa tối 10 món tại phòng ăn hạng nhất và đi dạo trên boong, cặp đôi trở về phòng nghỉ ngơi.
Ngay trước nửa đêm, tàu Titanic đâm phải tảng băng trôi và bắt đầu chìm dần. Trong tình huống nguy cấp, Isidor và Ida đã làm theo hướng dẫn – mặc áo phao và lên boong tàu.
Khi các sĩ quan đang hạ xuồng cứu sinh, một viên sĩ quan đã yêu cầu Ida lên thuyền. Bà đã làm theo nhưng khi viên sĩ quan ra hiệu cho Isidor, ông từ chối. Ông nói: “Tôi sẽ không lên thuyền cứu sinh cho đến khi tôi thấy rằng mọi phụ nữ và trẻ em đều có cơ hội thoát ra”.
Ida quyết định trèo ra khỏi thuyền và quay lại bên chồng. Bà nói: “Chúng ta đã sống một cuộc sống tuyệt vời bên nhau trong 40 năm và có sáu đứa con xinh đẹp, nếu anh không lên thuyền cứu sinh, em cũng sẽ không lên”.
Bà cởi chiếc áo khoác lông chồn và đưa cho người hầu gái Ellen Bird, nói rằng: “Tôi sẽ không cần thêm nữa. Xin hãy cầm lấy chiếc áo này khi cô lên thuyền cứu sinh để giữ ấm cho cô, cho đến khi cô được cứu”.
Isidor vòng tay ôm lấy vợ. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng người ta nhìn thấy họ còn sống.

Biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu
Thi thể của Ida không được tìm thấy, nhưng thi thể của Isidor đã được vớt lên và đưa về New York.
Trong túi quần của ông, người ta tìm thấy một chiếc mặt dây chuyền vàng có khắc chữ cái IS (tượng trưng cho cả Ida và Isidor) cùng hình ảnh của hai người con lớn. Món đồ trang sức này vẫn được lưu giữ trong gia đình Straus qua nhiều thế hệ.

Câu chuyện của cặp vợ chồng già lần đầu được kể với công chúng qua một bài viết trên báo Town and Country US.
Vào ngày 12.5.1912, hơn 6.000 người đã tham dự lễ tưởng niệm Ida và Isidor tại Carnegie Hall. Một công viên tưởng niệm đã được dành riêng cho cặp đôi gần nhà họ ở New York.
Câu chuyện về Isidor và Ida Straus đã truyền cảm hứng cho đạo diễn James Cameron khi thực hiện bộ phim “Titanic”.
Dù có một số chi tiết không hoàn toàn chính xác về lịch sử, nhưng cảnh phim về cặp đôi lớn tuổi ôm nhau khi tàu chìm đã để lại cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả.